Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

2118- LÁ BUÔNG



LÁ BUÔNG

Lá dạng quạt, cuống dài 8 mét
Cụm hoa hình tháp, quả hình cầu
Loài đặc hữu, ở Biên Hoà, Ðà Nẵng
Lá đan túi, giỏ, xưa để viết kinh.

BXP

Sưu tập mới

Lá buông - Corypha lecomtei, chi Corypha, họ Cau - Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Thân cột trưởng thành cao tới 10m hay hơn, dày 40-60cm. Lá to, cuống lá 8m và hơn, có rãnh sâu, rộng 30cm ở gốc, có mép phủ những răng khoẻ màu đen, phiến lá dài 4,50m, với khoảng 50 đoạn tách nhau nhiều hay ít, các đoạn giữa dài 2,5m. Cụm hoa hình tháp, dài 2,50m và hơn, có các nhánh hơi trải ra và phân nhánh 3-4 lần. Quả hình cầu dạng trứng, tròn ở chóp, dài 4,5cm, rộng 3-5cm. Hạt hình cầu, hơi cao hơn rộng, có vỏ dày 2-2,5mm, với nội nhũ hoá sừng.
Ra hoa tháng 3-9.
Nơi mọc: Cây đặc hữu của Nam Ðông Dương, thường chỉ gặp ở rừng đồng bằng từ Ðại Lãnh (Quảng Nam - Ðà Nẵng) đến Biên Hoà (Ðồng Nai).
Công dụng: Lá non, màu ngà đen, dùng để đan nhiều đồ đẹp như túi, chiếu, buồm và dùng đem làm vách phên.

Ở Campuchia, các lá non trước đây được dùng để in kinh tôn giáo. Thân cây chứa bột cọ dùng làm bánh, mỗi cây có thể cho tới 20kg. Quả độc dùng để duốc cá, nhất là vào lúc con nước thấp (tháng 3-5) cá bắt được dùng muối mà không bị ngộc độc.

2117- HÈO CẢNH

















HÈO CẢNH

Cây mọc bụi, có nhiều thân mảnh
Lá dạng quạt, phiến chẻ thuỳ dài
Giữa đám lá, cụm hoa phân nhánh
Cây trồng cảnh, chữa lỵ cũng hay.

BXP

Sưu tập

Hèo, Hèo cảnh - Rhapis excelsa, chi Rhapis, Họ Cau Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Cây mọc thành bụi, có nhiều thân mảnh, đường kính khoảng 3cm, phủ sợi nâu rồi đen đen, mang nhiều lá dạng quạt, chẻ thành 5-10 thuỳ dài 15-25cm, rộng 3-5 cm, cụt đầu và xẻ tách ra, cong về phía gốc, cuống lá cứng, gân hình trụ, dài khoảng 40cm, hơi có răng. Cụm hoa ở giữa đám lá và ngắn hơn cuống lá, phân nhánh, nhẵn. Quả hình tròn, nhọn chóp, đường kính 0,8-1cm, mang một hạt hình cầu, nhẵn.
Ra hoa vào tháng 5.
Nơi mọc: Cây nhập trồng làm cảnh xung quanh các biệt thự hay trong vườn ở các thành phố.

Công dụng: ở Trung Quốc, rễ Hèo dùng trị lao thương (thương tổn bên trong hay do làm việc quá sức). Sợi của bẹ lá trị chảy máu, khạc ra máu, sản hậu băng huyết. Nhân dân ta cũng sử dụng rễ của loài cây này cũng như rễ cây Hèo Lào - Rhapis laosensis O Becc. để chữa kiết lỵ.

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

2116- CỌ CẢNH



CỌ CẢNH

Lá dạng quạt, mang màu lục sẫm
Phiến xẻ thùy hình dải, chẻ đôi
Em mang dáng đẹp dâng đời
Bông mo buông thõng, vàng tươi sắc mầu.

BXP

Sưu tập mới

Cọ cảnh - Trachycarpus fortunei, Chi Trachycarpus, Họ Cau Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Thân cột thấp không vượt quá 10m, mọc đơn độc, phủ đầy những thớ sợi chéo nhau và bao bởi những bẹ lá tồn tại lâu. Lá dạng quạt, màu lục sẫm, xếp lại, đường kính 50-70cm hay hơn, có màu sẫm hay mốc; phiến lá bị cắt tới giữa thành những thùy hình dải có rãnh, chẻ đôi ở ngọn thành hai thùy tù; cuống lá mảnh và dài, tròn ở mặt dưới, có rãnh ở mặt trên, hơi có gai hoặc hoàn toàn nhẵn, cũng dài bằng đường kính của phiến. Hoa nhiều, màu vàng, xếp trên những bông mo thõng xuống bao bởi những mo màu hung. Quả nhỏ màu xanh lam, chứa 1 hạt.
Hoa tháng 4-5, quả tháng 11-12.  
Nơi mọc: Loài cây của Trung Quốc, Nhật Bản, có dáng đẹp, thường được gây trồng làm cây cảnh ở các công viên. Thu hái các cuống lá, trước và sau tiết Ðông chí (22/12), đem chẻ nhỏ, đốt thành than mà dùng.
Công dụng: Vị đắng chát, tính bình. Sao cháy đen trị nôn ra máu, chảy máu cam, ỉa ra máu, băng huyết, rong huyết, khí hư, ngoạithương xuất huyết, ghẻ lở hắc lào. Dùng 4-12g sắc uống. Dùng tươi sắc uống trị đái ra máu. Dùng ngoài nghiền thành bột rắc.
Ghi chú: Nhiều bộ phận khác của cây cũng được sử dụng ở Trung Quốc:
1. Hoa cọ cảnh (Tông lư hoa) vị chát, tính mát, có tác dụng tránh thụ thai; đến kỳ kinh nguyệt, lấy 1 nắm hoa nấu với thịt hoặc sao với gạo ăn.
2. Quả cọ cảnh (Tông lư tử) vị đắng, chát, tính bình, có tác dụng làm se, cầm máu, dưỡng huyết, trị nôn ra máu, đái ra máu, kiết lỵ, băng huyết, rong kinh, khí hư.

3. Rễ cọ cảnh (Tông lư căn) có tác dụng làm se, cầm máu, làm săn ruột, cầm lỵ, trị nôn ra máu, ỉa ra máu, băng huyết, rong huyết khí hư, dao chém thương tích. 

2115- CAU CHUỘT NÚI



CAU CHUỘT NÚI

Thân mọc thành túm, lá dài một mét
Cụm hoa 5-8 nhánh hẹp, hoa đực rất dày
Quả dạng đấu, hình trứng - thoi, hẹp
Loài đặc hữu, chỉ gặp ở Quảng Trị, Lâm Đồng.

BXP

Sưu tập

Cau chuột núi - Pinanga duperreana, Chi Pinanga, Họ Cau Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Thân mọc thành túm, cao 2-6m, dày 15-20mm. Lá dài tới 1m, có 26-28 đoạn nhọn, hình dải - ngọn giáo, dài 50cm, rộng 3cm, có mũi nhọn dài. Cụm hoa dài tới 20-30cm, có 5-8 nhánh hẹp, hoa đực họp dày đặc. Quả dạng đấu, hình trứng - thoi, thon hẹp từ 1/3 trên, tù, dài 15-17mm, rộng 7mm ở phía trên của gốc.
Nơi mọc: Loài đặc hữu của Trung Bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, chỉ gặp ở Quảng Trị, Khánh Hoà và Lâm Đồng (Đơn Dương).

Công dụng: : Ở Campuchia, phần ruột của thân được dùng ăn. Quả dùng ăn trầu.

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

2114- CAU CHUỘT NAM BỘ



CAU CHUỘT NAM BỘ

Thân cột cao, lá dài, nhiều đoạn hẹp
Cụm hoa dài, 5-8 nhánh khá to
Quả dạng đấu, thuôn, hình trứng
Loài đặc hữu, quả để ăn trầu.

BXP

Sưu tập

Cau chuột Nam Bộ - Pinanga cochinchinensis, Chi Pinanga, Họ Cau Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Thân cột cao 4-5m, dày 3cm hay hơn. Lá dài, có nhiều đoạn hẹp, dài 50cm, rộng 1cm, phần lớn nhọn dài, các lá trên rộng hơn, tận cùng bởi những răng tròn. Cụm hoa dài 25-35cm, phân nhánh nhiều với 5-8 nhánh khá to. Quả dạng đấu, thuôn, hình trứng, dài 11-13cm, rộng 5mm ở 1/3 trên.
Nơi mọc: Loài đặc hữu của Nam Việt Nam và Campuchia. Chỉ gặp trong rừng thường xanh ở vùng thấp ở Bảo chánh và Phú Quốc.

Công dụng: Quả được dùng để ăn với trầu và làm mồi câu cá.

2113- CAU CHUỘT BA VÌ



CAU CHUỘT BA VÌ

Cây mọc thành bụi thưa, thân nhiều sẹo
Lá tập trung ở ngọn, cụm hoa thõng, nhạt vàng
Cây chịu bóng, mọc rừng Thanh Hóa, Nhệ An
Hạt và quả trị nhiều bệnh tât.

BXP

Sưu tập mới

Cau chuột Ba Vì, Cau chuột rừng, Cau dại - Pinanga baviensis, Chi Pinanga, Họ Cau Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Cây mọc thành bụi thưa, cao 1-3m (-6m). Thân có nhiều vết sẹo của cuống lá đã rụng. Lá mọc tập trung ở ngọn. Hai lá chét ở đầu thường dính nhau như đuôi chim én. Cụm hoa buông thõng, hoa vàng nhạt. Quả thuôn đều, khi chín màu vàng.
Mùa hoa quả tháng 8-11.
Nơi mọc: Cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở chân núi đá vôi hay trong thung lũng ẩm, nơi đất sâu có nhiều cây gỗ lớn, mọc xen lẫn với các loài cây bụi, dương xỉ chịu bóng khác; gặp nhiều nhất là ở Thanh Hoá, Nghệ An. Người ta thường thu hái quả già, lột lấy vỏ, phơi khô.

Công dụng: Hạt cũng dùng trị giun sán. Vỏ quả lợi tiểu, dùng chữa lỵ và bệnh thần kinh. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc.

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

2112- CAU CHUỘT BÀ NA



CAU CHUỘT BÀ NA

Thân cột đơn, lá dài hơn mét
Cuống lá phình, ở gốc ôm thân
Cụm hoa mọc so le sáu nhánh
Lõi thân có bột có thể ăn.

BXP

Sưu tập mới

Cau chột Bà na - Pinanga banaensis, Chi Pinanga, Họ Cau Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4

Mô tả: Thân cột đơn, cao 2-6m, dày 2,5-3,5cm có vòng. Lá dài 0,80-1,3m, cuống lá phình, ôm thân ở gốc, đoạn lá men theo cuống lá, nhọn, dài 40cm, rộng 2-2,5cm. Cụm hoa dài 10-13cm, có 6 nhánh nhỏ so le. Quả hình trụ, hơi thót lại ở đỉnh, dài 14mm. rộng 5mm, dạng đấu.
Nơi mọc: Loài đặc hữu trong rừng rậm trên núi ở miền Trung Việt Nam (Huế, Ba Na, Đà Lạt).

Công dụng: Lõi thân có bột dùng ăn được. Quả dùng ăn trầu.

2111- CHÀ LÀ BIỂN


(Sưu tập lại Bộ Cau)

CHÀ LÀ BIỂN

Thân cao 5m, đâm nhiều tược
Phiến lông chim rất nhọn chẻ hai
Cụm hoa buồng một mo, quả mầu nâu đỏ
Sâu đuông chà là đem nướng thơm ngon.

BXP

Sưu tập mới

Chà là biển, Cây cứt chuột - Phoenix paludosa, Chi Phoenix, họ Cau - Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4)

Mô tả: Thân cao 4 hay 5m, có thể tới 10m, đâm nhiều tược, phủ bởi những bẹ dạng lá. Lá dài khoảng 2m (tới 3m) các phiến lông chim chẻ hai, trải ra và rất nhọn, lá chét ở gốc dài và hẹp hơn. Cụm hoa là buồng có một mo, mang nhánh cái dài hơn nhánh đực, hoa đực có 6 nhị; hoa cái có 3 lá noãn hơi dính nhau ở gốc. Quả mập hình trứng cao 1cm, có mũi nhọn cứng, màu nâu đỏ, và gần như đen khi chín, chứa 1 hạt có nội nhũ ở gốc.
Cây ra hoa vào tháng 3-4, có quả chín tháng 6-8.
Nơi mọc: Cây của vùng biển nhiều nước châu Á, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Ở nước ta, nó là loài cây ngập mặn có thể cho chồi gốc mạnh, thường gặp ở những doi đất bồi cao chỉ ngập nước triều vài mươi lần trong năm.

Công dụng: Quả chín có nhiều bột ăn được. Ở đọt ngọn cây, vào khoảng tháng 10-12, có con đuông (Đuông chà là) ấu trùng của loại côn trùng Oryctes nasicornis đem nướng ăn rất thơm ngon (mỗi đọt chỉ có 1 con). Với đặc tính không bị hà và nắng mưa làm hư mục nên thân cây được dùng làm đòn tay, sàn cầu.

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

2110- CHÀ LÀ


(Sưu tập lại Bộ Cau)

CHÀ LÀ

Thân đơn, lá kép lông chim
Hoa đơn khác gốc, tên em: Chà là
Riêng loài Đác-ty-phe-ra (P. dactylifera)
Cùi dày, thơm, ngọt nhà nhà chuộng ưa.

BXP

Sưu tập lại Bài 341

Chà là hay Chà là núi, Muồng muồng - Phoenix humilis, Chi Phoenix, họ Cau - Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4)

Mô tả: Cây có nhiều thân mọc thẳng đứng cao 2-3m, có thân bồ. Lá dài khoảng 80cm, có các phiến lông chim gập lại thành hai trên suốt chiều dài, tận cùng là một mũi nhọn; lá chét dưới biến đổi thành gai ngắn, gân không rõ. Quả mọng nhỏ và hình trứng, màu vàng vàng chuyển sang màu đỏ khi chín. Hạt dài độ 10mm, rộng 5mm, có răng ở một mặt. Ở thứ Hanceana Becc., cây lùn tới 1m, lá màu lục dịu.
Nơi mọc: Rất phổ biến trong các savan cỏ, nơi ẩm lầy khắp nước ta. Cũng phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Mianma.

Công dụng: Nhân dân thường dùng lá xẻ nhỏ để nhồi nệm. Quả có hương vị của quả chà là, dùng ăn được. Chồi của cây tạo thành một loại cổ hũ như dừa, có hương vị thơm ngon. Kinh nghiệm dân gian ở Tây Nguyên dùng quả làm thuốc chữa ỉa chảy và say rượu.

2109- DỪA NƯỚC


(Sưu tập lại Bộ Cau)















DỪA NƯỚC

Thân ngầm trong bùn, lá mọc vòng ở ngọn
Hình lông chim, các đoạn hẹp, nhọn, thon
Cụm hoa cao 2m; nhánh đực vàng
Phôi nhũ, quả non, cơm dừa tuyệt hảo.

BXP

Sưu tập mới

Dừa nước, Dừa lá - Nypa fruticans, Chi Nypa, họ Cau - Arecaceae, 16- bộ Arecales Bộ Cau (nhánh 4)

Mô tả: Thân ngầm trong bùn, dài và to (25-40cm). Lá gần như mọc vòng ở ngọn cây, hình lông chim, dài 5-6m, có các đoạn thon, hẹp nhọn, có vảy màu lục ở mặt dưới, mép cong về phía dưới. Cụm hoa cao đến 2m; nhánh đực vàng, mang nhiều hoa đực cao 2mm, có tiền diệp hẹp; nhị 3. Quả dạng quả hạch họp thành buồng hình cầu đường kính tới 40cm, màu mận sậm, chứa 1 hạt cứng; phôi nhũ lúc non trong.
Nơi mọc: Cây mọc ở rừng sát và dựa rạch có nước lợ, gặp rất nhiều ở Cà Mau. Gò Công, Tân An ở miền Nam và Hội An, Ba ngòi ở miền Trung là những vùng có nhiệt độ quanh năm cao trên 20oC. Ta có đem gây trồng thử ở Thuỷ nguyên (Hải Phòng) nhưng cây không phát triển được. Còn ở miền Nam, cây thường được trồng trong các vuông tôm ở Cà Mau, Bến Tre để che nắng cho con tôm, kết hợp khai thác lá, dịch nhựa. Người ta cũng trồng nhiều ở 2 bên bờ sông Cửu Long tỉnh Bến Tre và sông Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An. Do điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên kích thước và hương vị của Dừa nước ở mỗi nơi cũng khác nhau. Dừa nước trồng ở Bến Tre do chịu ảnh hưởng của nguồn nước phù sa sông Cửu Long nên mọc tốt, quả có kích thước lớn và vị ngọt. Ngược lại, Dừa nước trồng ở Cần Giuộc do bị ảnh hưởng nguồn nước mặn nên phát triển kém, có quả với kích thước nhỏ hơn và vị nhạt. Ở Bến Tre, nhân dân ta trồng Dừa nước lấy lá nên cây chỉ ra quả mỗi năm một lần vào tháng 9 (tháng 8 âm lịch); còn ở Cần Giuộc, dừa nước không bị cắt lá nên ra hoa kết quả quanh năm, trung bình mỗi ha trồng được 200-300 bụi Dừa nước, mỗi bụi cho 1 quầy quả nặng chừng 3-5kg.
Công dụng: Quả có phôi nhũ trong ăn ngon, còn dùng nuôi lợn mau mập. Quày quả non (bụp phèn) xào nấu với vọp có vị ngọt ngon. Nõn non còn dùng làm thuốc lá. Chất dịch ngọt hứng được từ cuống quày quả non là một nguồn lợi để chế biến đường và rượu hoặc giấm. Vỏ hạt cứng rắn như ngà được dùng làm để lợp nhà, dựng vách nhà lá. Lá non (cà bắp) dùng để gói bánh nếp hay làm các vật dụng như gàu xách, cơi trầu. Bẹ Dừa nước và sống lá được dùng để bện thừng, dệt thảm, làm dây buộc. Cơm dừa nước ăn ngon và mát, nhiều người quen gọi là "trái mát mật" chỉ cần cho vài miếng cơm Dừa nước vào ly, thêm đường cát và nước đá, trộn đều để sau 5-10 phút lấy ra ăn. Có thể làm nhân chè đậu xanh ăn cũng rất mát. Cũng có người cho rằng cơm Dừa nước còn chữa được chứng nhức đầu và đái đường nếu như ăn thường xuyên và điều độ.

Thường người ta hay dùng phần gốc của lá Dừa nước (cà bắp) đem nướng, vắt lấy nước trị bệnh sản hậu, hoặc dùng làm thuốc trị bệnh ỉa chảy với liều dùng 4-8g. "Rún" lá có tác dụng cầm máu.