Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

B.107- BƯỚM GIÁP MỘC









Sưu tập :

B.107-  Bướm giáp mộc Cupha erymanthis

Đặc điểm nhận dạng:
Giống này cũng chỉ có một loài. Loài Cuphia erymanthis có mặt trên cánh màu cam nâu, chót cánh trước có vùng màu đen rộng với hai đốm trắng, phần giữa cánh trước có một vùng màu vàng chanh lớn, cánh sau viền nâu tối cùng với hai dải nâu đen lượn sóng cùng nhịp với mép ngoài  và có một hàng gồm 5 chấm đen nhỏ ở phía trong. Mặt dưới sáng màu hơn mặt trên với vùng chót cánh trước màu đất son. Con đực và con cái có kiểu màu sắc giống nhau. Sải cánh: 45-50mm.
Sinh học sinh thái:
Phố biến nhưng ít gặp với số lượng lớn. Bay nhanh, ít khi đậu một thời gian lâu, khó lại gần. Thường ra đường mòn hút chất khoáng. Hay đậu ở ven khoảng trống trong rừng gỗ thứ sinh. Khi vừa đậu thường bò đi bò lại trên mặt đất. Ở độ cao dưới 700m, chúng còn sinh sống ở các trảng cỏ, bụi cây và vùng nông nghiệp.Ấu trùng được ghi nhận ăn trên các loài cây thuộc giống Hồng quân Flacourtia, họ Mùng quân Flacourtiaceae.
Phân bố:
Từ Bắc Ấn Độ đến Thái Lan, Lào, Malaixia, Inđônêxia, toàn Việt Nam, có cả ở thành phố Hồ Chí Minh.
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:
Là loài bướm phổ biến và phân bố rộng.

Nguồn : SVRVN &  Internet

B.106- BƯỚM GIÁP LỚN







Sưu tập :

B.106-  Bướm giáp lớn Vindula erota

Đặc điểm nhận dạng:
Giống Vindula có kích thước lớn. Sải cánh : 90-110mm. Mặt trên cánh con đực có màu vàng cam với hai đường đen lượn sóng ở gần mép ngoài cánh. Trên cánh cũng có các đốm, vệt màu đen ở vùng giữa. Cánh sau có hai đốm mắt và một đuôi ngắn. Mặt dưới nhạt màu hơn. Việt Nam có hai loài thuộc giống này, nhận diện rất dễ, nhưng khó phân biệt đến cấp loài bằng cách quan sát nhanh do sự khác biệt ở những chi tiết nhỏ. Con cái có màu xỉn hơn ánh xanh lục, ít gặp hơn con đực. Bướm cái lớn hơn và có màu đất nâu hơi xám ánh xanh lục với dải trắng và hoa văn lượn sóng ở hai cánh.
Sinh học sinh thái:
Đặc điểm chung: Rất phổ biến trong rừng vào mùa mưa. Thường gặp ven đường mòn. Tương tự các loài khác trong cùng nhóm (tộc phụ Vagrantini), khi đậu xuống mặt đất để hút khoáng, ban đầu nó thường bò đi bò lại, đến khi tìm được chỗ thích hợp mới ngưng, trong lúc bò cánh thường khép vào mở ra. Sâu ăn lá họ cây Nhãn lồng Passifloraceae là ký chủ của các loài sâu Bướm nhãn lồng đỏ Acraea violae, Bướm báo hoa vàng Cethosia cyane. Bướm cái ít gặp hơn bướm đực, chủ yếu ở trong rừng. Bướm đực gặp khá phổ biến gần nguồn nước. Vì sâu non còn ăn lá cây chùm bao Passiflora foetida và nên chúng thường cạnh tranh thức ăn với một số loài bướm như Cethosia cyane, Acraea violae …
Phân bố:
Phân bố từ Ấn Độ đến Trung Quốc và Nam đến Sunderland. Đây là một trong những loài phổ biến nhất, có khắp nơi ở Việt Nam. Ở mọi độ cao, đặc biệt phổ biến ở độ cao 1.200m và các rừng thứ sinh, trảng cỏ, bụi cây ở độ cao dưới 700m
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:
Loài bướm to có màu vàng cam sặc sỡ và đẹp, đặc biệt nổi bật trong hộp màu tiêu bản. Chúng tô điểm cho nơi chúng bay và đậu ở ngoài thiên nhiên. Phân bố rộng và thường gặp. Bảo vệ rừng tốt chính là bảo vệ nơi cư trú và cuộc sống của chúng.

Nguồn : SVRVN &  Internet

B.105- BƯỚM GIÁP VẠCH XANH








Sưu tập :

B.105-  Bướm giáp ba vạch Kaniska canace

Đặc điểm nhận dạng:
Bướm đực và cái giống nhau. Chúng thích những nơi bìa rừng có nắng và trống trải gần các con suối và sông. Bướm đực có một lãnh thổ riêng, ở đó chúng bay tuần tra và hay tấn công đuổi loài bướm khác. Bướm thích hút dịch cây và quả thối rữa. Với đôi cánh úp lại nhìn chúng giống như chiếc lá khô đen. Sâu non ăn lá cây Kim cang (họ Kim cang). Smilax elegantissima, Heterosmilax japonica thuộc họ Khúc khắc Smilacaceae và ở Trung quốc sâu non ký chủ trên cây Lilium lancifolium
Phân bố:
Phân bố rất rộng từ Viễn Đông Nga qua Trung Quốc, Triều Tiên và Đông Dương đến Sunderland, phía Tây đến Ấn Độ và Srilanca. Đây là loài khá phổ biến ở miền Bắc và Trung của Việt Nam. Tên bướm được đặt vì có vạch xanh trên cánh.

Nguồn : SVRVN &  Internet

B.104- BƯỚM GIÁP ĐA HÌNH







Sưu tập :

B.104-  Bướm giáp đa hình Euripus nyctelius

Đặc điểm nhận dạng:
Tất cả các loài thuộc giống này đều mạo danh giống Euploea, nhất là các con cái có đặc tính dị hình ở mức độ cao. Mặt trên con đực màu đen xanh với các điểm và các sọc trang trí màu kem ở tất cả các cánh. Mặt dưới: Màu nâu tối đen xanh với các hoa văn tương tự như mặt trên; tuy vậy vẫn có đặc điểm riêng để có thể khẳng định chúng là loài bướm thuộc họ bướm Giáp Nymphalidae: đó là sự uốn lượn không đều của các mép ngoài cánh sau mà ở Euploea không có đặc điểm này. Nửa mép trong mặt dưới cánh trước và viền ngoài mặt dưới cánh sau được vẽ màu xanh da trời. Mắt có màu vàng rất đặc trưng. Con cái xuất hiện dưới nhiều hình ảnh màu sắc (có đến gần chục kiểu), hầu hết bắt chước các loài trong giống Euploea. Sải cánh: 65 - 85mm.
Sinh học sinh thái:
Đặc điểm chung: Sống ở trong rừng tự nhiên và những nơi gần rừng. Khá hiếm. Phân bố ở độ cao dưới 1.200m, trong các khu rừng thứ sinh và trảng cây bụi cỏ, hiếm dần khi lên cao.
Phân bố:
Việt Nam: Vườn quốc gia Tam Đảo cho đến Vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai
Thế giới: Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Việt Nam.
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:
Là loài bướm đẹp với đặc điểm dị hình ở mức độ cao ở con cái nên chúng rất có giá trị trong phân loại học và đa dạng sinh học. Tuy phổ phân bố của chúng không hẹp nhưng không thường gặp

Nguồn : SVRVN &  Internet

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

B.103- BƯỚM GIA ĐINH








Sưu tập :
B.103-  Bướm gia đình Cirrochroa tyche
Đặc điểm nhận dạng:
Giống này gồm các loài tương đối giống các loài thuộc giống Vindula sp. nhưng râu của Cirrochroa mảnh mai hơn rất nhiều và chỉ to ra rõ rệt ở đoạn đầu mút. Vùng trung tâm cánh sau mở. C.tyche là loài phổ biến nhất trong số năm loài thuộc giống Cirrochroa đã biến mất ở Việt Nam. Mặt trên màu cam nâu, cánh trước viền đen mảnh, có các đường màu đen gợn sóng chạy ngang ở vùng ô cánh và sát mép ngoài cánh sau. Con cái màu nhạt hơn con đực và các đốm đường viền màu đen loang rộng hơn. Con đực loài C.surya trông tương tự, nhưng kích thước hơi nhỏ hơn, mép ngoài cánh trước có viền đen rõ và rộng hơn, đặc biệt là vùng chót cánh trước. Sải cánh : 65-75mm.
Sinh học sinh thái:
Thường ra đường mòn hút chất khoáng. Tập tính tương tự loài Cupha erymanthis và Vagrans egista tuy nhiên bay không nhanh như hai loài đó. Sâu của giống Cirrochroa được ghi nhận ăn lá giống cây Nhọ nồi Hydnocarpus sp., họ Mùng quân Flacourtiaceae.  Loài này sống ở mọi độ cao, đặc biệt phổ biến ở độ cao 1.200m và các rừng thứ sinh, trảng cỏ, bụi cây.
Phân bố:
Sikkim, Mianma, Thái Lan, Lào, Inđônêxia, Philippin, và toàn Việt Nam.
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:
Loài này rất phổ biến và còn rừng là còn loài này nên chúng ta phải giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng..

Nguồn : SVRVN &  Internet