Sưu tập :

Già đẫy lớn - Leptoptilos dubius, chi Leptoptilos Già đẫy, tông Leptoptilini, Họ Hạc Ciconiidae, 10- Bộ Hạc Ciconiiformes

Đặc điểm nhận dạng:
Chim trưởng thành: Mùa hè: Đầu, túi cổ và cổ trần. Gáy, bên đầu và cổ có một số lông xoắn màu nâu thẫm. Phần dưới cổ có một vòng màu trắng. Mặt lưng, cánh, đuôi có màu đen hơi ánh lục. Lông cánh tam cấp và lông bao cánh lớn màu xám bạc. Ngực, sườn, bụng và dưới đuôi có màu trắng. Mùa đông: cánh đồng màu, không có vệt xám bạc. Mắt màu trắng hay vàng nhạt, mắt chim non màu xanh nhạt. Mỏ vàng nhạt hay lục nhạt. Mùa sinh sản, gốc mỏ hơi đỏ. Da trần ở đầu màu nâu nhạt chuyển dần thành đỏ gạch ở trên cổ và đen nhạt ở phía trước đầu, cổ màu vàng nhạt, túi cổ đỏ hồng ở phần cuối. Chân xám nhạt hay nâu sừng nhạt.
Chim non: Phần da trần ở đầu và cổ ít nhiều có phủ lông tùy chỗ. Lông cánh tam cấp và lông bao cánh lớn nâu thẫm.
Sinh học - sinh thái: Nơi sống: vùng bùn lầy, hồ, cánh đồng trồng lúa, rừng thưa, đồng cỏ và cánh đồng.Thức ăn là cá có kích thước tương đối lớn, đôi khi ăn cả ếch nhái, rắn, côn trùng lớn, cũng có khi ăn lẫn với cách mò thức ăn của vịt. Hầu như chưa có dẫn liệu về sinh sản của loài này.
Phân bố : Trong nước: Trước đây gặp ở Nam Bộ, Nam và Trung Trung Bộ, trước năm 1985 gặp rất ít ở rừng tràm U Minh Thượng.
Thế giới: Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Inđônêxia (Sumatra, Java, Borneo)
Giá trị: Là nguồn gen qúy cho khoa học, loài chim có kích thước lớn hình dáng đẹp hấp dẫn cho tham quan du lịch.
Tình trạng: Trong khoảng từ năm 1985 trở lại đây không có thông tin gì, ngay cả ở vùng rừng tràm U Minh Thượng nơi có nhiều thông tin nhất về loài này trong những năm trước đây. Từ đầu năm 2002, khi rừng tràm ở U Minh Thượng đã bị cháy thì rất khó để tìm thấy lại loài này tại đây trong những năm tới. Nguyên nhân chính có lẽ do mất nơi làm tổ là những nơi có rừng tràm tự nhiên với cây to, mật độ lớn không bị tác động của con người, nhất là nạn cháy rừng Tràm.

Nguồn : SVRVN T7.5, hình Internet