B.2.932- BƯỚM ĐỐM XANH LỚN
Sưu tập :

B.2.932- Bướm đốm xanh lớn - Euploea mulciber

Đặc điểm nhận dạng:
Con đực và cái khác nhau. Con đực có mặt trên màu đen, từ đĩa ô cánh trước ra ngoài màu tím óng ánh với các chấm trắng xếp không theo hàng lối, mặt dưới cánh sau có một hàng chấm nhỏ chạy dọc mép ngoài. Con cái có mặt trên cánh trước tương tự con đực, nhưng cánh đốm trắng lớn hơn, cánh sau nền đen có các sọc, vạch trắng hướng vào gốc cánh, viền cánh có một hàng chấm. Dạng sao chép của loài Chilasa paradoxa (họ Bướm phượng Papilionidae) bắt chước con đực của loài này, nhưng kích thướcC.paradoxa lớn hơn, cánh trước rất lớn so với cánh sau, chót cánh không tròn bầu như E.mulciber, chót râu cong đặc trưng của họ bướm Phượng, 6 chân dài, khi đậu dễ nhận diện. Sải cánh: 90-100mm.
Sinh học sinh thái:
Loài phổ biến, kể cả thành phố, vùng ngoại ô. Rất phổ biến ở ven đường mòn, những chỗ trống trong rừng nhưng số lượng không nhiều như vài loài khác trong cùng giống. Đẻ trứng trên các loài cây có nhựa độc như họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Loài này xuất hiện ở một số sinh cảnh với độ cao khác nhau. Bướm cái ít gặp hơn bởi vì chúng thường tập trung trong rừng. Nơi ở của loài E.mulcibercũng giống như nhiều loài bướm đốm khác. Chúng thường hút mật từ những cây thuộc chi Xẻn, Thanh quan và Bông ổi. Có thể gặp loài này vào tất cả thời gian trong năm. Sâu non ăn lá cây Tiền quả (họ Thiên lý) và đôi khi gặp trên cây Trúc đào (họ Trúc đào)
Phân bố:
Phổ biến ở khắp nơi, ít hơn ở các khu rừng nguyên sinh. Phân bố từ Ấn Độ, phía Đông đến Đài Loan, phía Nam qua Đông Dương và bán đảo Malaysiai đến Sunderland. Đây là một trong những loài phổ biến ở Việt Nam. Tên được đặt dựa vào đặc điểm hình thái.
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:
Tương tự như loài E.core nhưng loài này có màu sắc sặc sỡ và hấp dẫn hơn, nhất là khi chúng bay có màu xanh tím lấp loáng dưới ánh nắng.