Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Giác quan thứ 6



Lời đầu tâm sự


Tôi chỉ là một nông dân, quanh năm làm bạn với bùn sâu rơm cỏ, cả đời chỉ quẩn quanh bên lũy tre làng, tai nghễnh ngãng, giao tiếp vịt gà, kiến thức cuộc sống rất ít ỏi. Với lòng khát học, ý chí vươn lên cầu tiến, cuối đời tôi đã sử dụng được vi tính, vào mạng diễn đàn, được hòa hồn thơ với giới trí thức thời đại, đam mê sưu tầm cũng nâng dần kiến thức. Tôi hay mò vào những lĩnh vực cao siêu mong mở mang thêm trí tuệ, bắt các neron thần kinh luôn đổi mới, khắc phục bệnh tật, nhờ đó mà tồn tại đến ngày nay.

Đọc bài viết "LỰC HỌC THÍCH CA...." của tác giả Truyền Bình, vận dụng những kiến thức Phật Pháp tôi cũng hiểu được chút ít, mặt khác, nhờ bài viết này tôi hiểu sâu thêm Phật Pháp. Tôi lập trang “Giác quan thứ 6”, tìm hiểu, suy ngẫm, tự lý giải, mong mở tuệ, cũng là tìm niềm vui cho cuộc sống. Trang này tôi có đề cập đến cụm từ VŨ TRỤ QUAN, nhưng chỉ đơn giản là những cảm nhận của tôi về “cái nhìn vũ trụ” của khoa học và Phật giáo, tư liệu góp nhặt trên mạng, chứ thực tôi chẳng có gì. Bạn đọc xem thấy chỗ nào được thì đọc, chỗ nào không được thì cho qua, trình độ nông dân thấy thế thì viết thế, mục đích chính là tìm niềm vui cho mình.

Bài "LỰC HỌC THÍCH CA...." dài tôi không đăng ở đây, mời bạn đọc theo địa chỉ này đọc thêm : m.phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201508/Luc-hoc-Thich-Ca-doi-chieu-voi-Co-hoc-New...
Trước khi vào các bài viết, xin phép được ngỏ đôi dòng tâm sự.

56 năm trước, học Trung cấp LN, được bồi dưỡng kiến thức cấp III, tôi chỉ biết mẫu HTNT gồm các điện tử quay quanh hạt nhân. Sau này về đọc sách biết thêm hạt nhân nguyên tử gồm các hạt proton và neutron, nay đọc bài "Lực học Thích Ca..." của tác giả Truyền Bình, biết thêm hạt quark. Nhưng đọc câu: "Ba hạt quark (2up+1down) kết hợp thành hạt proton. Ba hạt khác (1up+2down) kết hợp thành hạt neutron." thì lại thấy thắc mắc trong lòng. Phải chăng "quark" chưa là nhỏ nhất, còn "up", "down" nữa? Mà "up", "down" là gì??? Lòng khát học khiến tôi cứ mò mẫm ...mò mẫm..., để rồi gây nên một trận đau đầu dữ dội phải nằm bẹp mấy ngày. Khi khỏe lên, chứng nào tật ấy, lại mò mẫm... Có lẽ Trời cũng thương tình đã cho tôi hưởng một niềm vui sướng chan hòa đúng vào hôm mừng sinh nhật lần thứ 76 (23/6/2014), giải tỏa được nỗi thắc mắc trong lòng. Thì ra "quark" vẫn là nhỏ nhất, là hạt cơ bản cấu tạo nên vật chất, nhưng người ta đã tìm ra có 6 loại hạt quark khác nhau. Với người có trí tuệ cao thì đây chỉ là chuyện vặt, nhưng với tôi, nó là một kỳ công, cho nên tôi vui sướng vô cùng.

Niềm phấn khởi đã cho tôi nghị lực, trí tuệ thực hiện bài viết "Vũ trụ quan", liên hệ giữa Vũ trụ quan Phật giáo và Vũ trụ quan khoa học.


GIÁC QUAN THỨ 6


Ta thường quan niệm chỉ có 5 giác quan: Mắt cảm nhận hình dạng, màu sắc; Tai cảm nhận âm thanh; Mũi cảm nhận mùi hương; Lưỡi cảm nhận vị; Tay hay Thân cảm nhận xúc chạm. Nhưng trên 2500 năm trước Đức Phật đã nói đến 6 căn, tức 6 giác quan: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, thêm giác quan thứ sáu: Ý. Ý là giác quan không hình tướng nhưng lại tối quan trọng của con người. Nó tổng hợp sự cảm nhận của 5 giác quan kia. Đối tượng cảm nhận của Ý là pháp, tức vạn sự, vạn vật trên thế gian này. 6 Căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý đối với 6 Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và pháp thành 6 Thức: Nhãn (mắt) thức, Nhĩ (tai) thức, Tỵ (mũi) thức, Thiệt (lưỡi) thức, Thân thức và Ý thức. Ý thức phát triển ở tầng sâu còn có Mạt na thức và A lại da thức tức Tạng thức. Tạng thức là cái kho tổng hợp chứa mọi thứ, ví như mạng vi tính. Tôi không đủ trình độ diễn đạt, chỉ xin nói sơ lược vài điều.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét