Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Vũ trụ quan Phật giáo (Tiếp)



Mười lăm năm theo Phật, đã đọc tụng kinh Di Đà, Pháp hoa, Kim Cương biết bao lần, nhưng suy ngẫm nhiều vẫn không hiểu nổi ý nghĩa của những câu này, chỉ lấy niềm tin nơi trí tuệ siêu việt của đức Phật. Nhưng Đức Phật lại dạy: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta" nên tôi vẫn thấy day dứt trong lòng. Nhân viết bài về "Vũ trụ quan", tôi đã mò mẫm đọc rất nhiều bài viết cả về lĩnh vực Vật lý học nguyên tử và Thiên văn học. Giờ thì nhiều thắc mắc của tôi đã được giải tỏa: Lời dạy của Đức Phật tôi hiểu gói gọn trong một câu THỜI GIAN VÔ BIÊN, KHÔNG GIAN VÔ TẬN. Đã vô biên vô tận thì nói bao nhiêu kiếp, bao nhiêu cõi đất cũng không có gì lạ. Nhà Thiên văn học trẻ Đặng Vũ Tuấn Sơn - chủ tịch VACA - Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam đã viết: "Bạn có biết rằng mỗi ngôi sao là một Mặt Trời, và số sao trong phần vũ trụ chúng ta đã nhìn thấy còn lớn hơn tổng số hạt cát của tất cả các bãi biển trên thế giới cộng lại?
Và bạn có biết.... dù chỉ một đống cát xây dựng nhỏ nhất mà bạn gặp mỗi ngày, bạn có dành cả đời mình cũng sẽ không đếm được số hạt cát của nó?"
Mà "số sao trong phần vũ trụ chúng ta đã nhìn thấy còn lớn hơn tổng số hạt cát của tất cả các bãi biển trên thế giới cộng lại" ấy, lại chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi trên cái cây lớn Đại vũ trụ!
Đức Phật Thích Ca (623-543 TCN), từ trên 2500 năm trước đã khẳng định THỜI GIAN VÔ BIÊN, KHÔNG GIAN VÔ TẬN. Cái thấy của Ngài là cái thấy tuệ giác, cái thấy của trí tuệ tuyệt luân.

Từ thế kỷ 4 TCN, Aristotle đã nêu nên thuyết Địa tâm và đến thế kỷ 2 SCN, Ptolemaeus đã phát triển thành Hệ Ptolemy, coi Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt trời cùng các thiên thể khác quay quanh nó. Hệ này tồn tại mãi đến thế kỷ 16 mới bị thuyết Nhật tâm của Nicolaus Copernicus làm cho lung lay. Nhưng phải sang đầu thế kỷ 17, Galileo Galilei chế tạo được kính thiên văn, dùng nó quan sát bầu trời, ủng hộ thuyết Nhật tâm của Copernicus thì thuyết Địa tâm mới bị đánh đổ. Năm 1632, Galileo xuất bản cuốn "Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính", những tuyên bố trong cuốn sách ủng hộ lý thuyết Copernicus và một mô hình hệ mặt trời phi địa tâm khiến Galileo bị tòa án giáo hội Công giáo kết tội dị giáo, vì đã nói trái ngược với ý nghĩa của Kinh Thánh, bị kết án tù, sau đó chuyển thành quản thúc tại gia, bị buộc phải tuyên bố từ bỏ quan điểm của mình, cấm xuất bản các tác phẩm. Mãi đến năm 2008, Vatican mới chính thức phục hồi cho Galileo bằng cách dựng một bức tượng ông bên trong những bức tường thành Vatican.
Đức Phật dạy: "Một người có thể tuyên bố niềm tin của mình là đúng, nhưng không được phép bảo niềm tin người khác là sai". Nêu nên những điều trên tôi không có ý bài bác đạo Chúa, chỉ muốn nói nên thực trạng của khoa học qua nhiều bước thăng trầm. Năm 1939, Giáo hoàng Piô XII đã hối tiếc về trường hợp của Galileo, miêu tả Galileo là một trong số "các anh hùng táo bạo nhất trong nghiên cứu ... không sợ hãi trước những trở ngại và nguy hiểm khi thực hiện công việc, cũng không mù quáng tuân theo những vĩ nhân thời trước".
Chuyện quanh vấn đề “Phật Giáo & Khoa học” nó rộng mênh mông, còn nhiều điều muốn nói, nhưng trình độ có hạn không dám lạm bàn.
Xin dừng tại đây.
BXP 08.9.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét