Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

2027- CỦ NẦN


BỔ XUNG: Bộ 12- Bộ Dioscoreales Bộ Củ nâu (nhánh 3)















CỦ NẦN

Lá như Củ đậu, phiến ba lá chét
Bông đực dày nhiều nhánh; cái buông thòng
Củ trị nhọt độc, sâu quảng, đòn thương
Có thể chết người: miếng bằng quả táo!

BXP

Sưu tập

Củ nần, Củ nê, Dây nần, Củ nâu trắng - Dioscorea hispida, chi Dioscorea, họ Củ nâu -Dioscoreaceae, Bộ Dioscoreales Bộ Củ nâu (nhánh 3). 

Mô tả: Củ khi còn non có hình cầu nhưng rồi biến đổi, có thuỳ và khi già, củ có thể kép. Thân khoẻ, có thể leo cao tới 30m, có lông mềm với các lông màu vàng nhạt hoặc nhẵn hình trụ, thường có gai nhiều. Lá có 3 lá chét có lông nhẵn trông giống như lá cây củ đậu, lá chét giữa hơi lớn hơn, dài 16cm, rộng 10cm. Cụm hoa to, dài tới 50cm; bông đực dày nhiều nhánh; bông cái thòng. Quả nang dày lông vàng, có cánh rộng ở phía giữa tới 16mm; quả dài tới 55mm, thót lại về phía trên thành một mũi nhọn tù hay tròn. Hạt to, dài 10mm, rộng 6mm, với một cánh lớn màu vàng nâu.
Ra hoa vào cuối tháng 3.
Nơi mọc: Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang trên các nương rẫy hoang, rừng còi đồng bằng, có nhiều ở các tỉnh phía Nam từ Quảng Trị trở vào; còn ở phía Bắc có gặp ở Bắc Thái, Lạng Sơn. Lá rụng vào mùa khô, mọc lại vào tháng 3-4. Củ nần chỉ dùng sau khi đã loại bỏ các chất độc, cắt ra nhiều khoanh nhỏ ngâm trong nước lã khoảng 3 đến 4 ngày, người ta loại bỏ nước ngâm, rửa sạch nhiều lần bằng nước sạch rồi đem phơi khô ngoài nắng. Khi nấu cũng cần đun sôi để loại bỏ thêm chất độc còn sót lại.
Công dụng: Củ giã đắp trị nhọt độc, sâu quảng, đòn ngã bị thương. Ở Malaixia, người ta dùng nước sắc của thân rễ để uống làm thuốc lợi tiểu hay thấp khớp mạn tính. Ở Campuchia, người ta sử dụng củ ăn sống kịp thời ngay sau lúc bị rắn hổ mang cắn để ngăn ngừa những biến chứng gây rối loạn trong cơ thể. Ở nhiều vùng của Philippin, Củ nần còn được dùng chữa dịch hạch, phong thấp cấp tính.
Ghi chú: Củ nần rất độc, một lát xắt củ to bằng quả táo tây đủ để làm chết một người lớn trong 6 giờ. Triệu chứng của sự ngộ độc là bắt đầu ngứa trong cổ họng kèm theo nóng rát, rồi choáng váng, nôn ra máu, nghẹt thở và buồn ngủ.
Phân biệt CỦ NẦN  và CỦ NÂU:
+ CỦ NẦN: Cây mọc trên các nương rẫy hoang, là loại cây leo cao tới 30m, có lông mềm với các lông màu vàng nhạt hoặc nhẵn hình trụ, thường có gai nhiều. Lá có 3 lá chét có lông nhẵn trông giống như lá cây củ đậu, lá chét giữa hơi lớn hơn. củ nần vỏ củ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng, mặt cắt có màu trắng nhạt. Lá rụng vào mùa khô, mọc lại vào tháng 3 - 4.

+ CỦ NÂU: Thân cây củ nâu tròn, nhẵn, có nhiều gai, lá đơn mọc so le ở phía dưới, mọc đối ở gần ngọn, phiến lá hình trứng hoặc bầu dục nhẵn bóng. Củ nâu vỏ xám vàng nhạt, không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt, mặt cắt hơi hồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét