Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

1.823- SÂM VIỆT NAM














Cây nhân sâm Ngọc Linh hoang dại
Củ cây lá và chùm quả cây nhân sâm Ngọc Linh hoang dại Trọng lượng 600gram, tuổi gần 60 năm
Hạt sâm Ngọc Linh

SÂM VIỆT NAM

Em, loài đặc hữu Việt Nam
Tính năng hơn cả nhân sâm Hàn, Tàu
Em còn mang một nỗi đau
Bởi chưng nhiều kẻ tham giàu giả em.

BXP

Sưu tập

Sâm Việt Nam, Sâm Ngọc linh, Sâm khu 5 - Panax vietnamensis, Chi Panax, Họ Cam tùng, Nhân sâm, Ngũ gia bì - Araliaceae, bộ Hoa tán Apiales

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao 40-100 cm. Thân - rễ mọc bò ngang như củ hoàng tinh đường kính từ 1-2 cm, dài 5 - 40 cm, có nhiều đốt mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hàng năm để lại, thân- rễ có nhiều rễ phụ. Thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, đường kính thân độ 4-8 mm, thường tàn lụi hàng năm, thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm. Lá kép hình chân vịt mọc vòng, thường là 3 - 5 ở ngọn thân. Cuống lá kép dài 6 - 12 mm, mang 5 lá chét, lá chét ở chính giữa lớn hơn cả, dài 12 - 15 cm, rộng 3 - 4 cm. Lá chét phiến hình bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn, lá có lông ở cả hai mặt. Cây 4-5 năm tuổi, có hoa hình tán đơn, cuống tán hoa dài 10-20 cm có thể kèm 1 - 4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính. Mỗi tán có 60-100 hoa cuống hoa ngắn 1 - 1.5 cm, lá đài 5, cánh hoa 5, màu vàng nhạt, nhị 5, bầu 1 ô với 1 vòi nhuỵ, Quả nang màu đỏ thắm, có một chấm đen ở đỉnh, có 1 - 2 hạt hình thận, màu trắng ngà.
Cây ra hoa tháng 4 - 6, kết quả tháng 7 - 9. 
Nơi mọc: Cây mọc tập trung tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc Kontum và Quảng Nam ở độ cao 1500 đến 2100m, cây mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.
Công dụng: Thân rễ và rễ củ sâm chủ trị: Suy nhược cơ thể, Suy nhược tinh thần, Suy nhược sinh dục, Chữa thiếu máu, suy tiểu cầu, Chữa viêm họng hạt, Các bệnh lý gây ra bởi stress, Chống xơ gan và giải độc gan, Xơ vữa động mạch, Bệnh tiểu đường, Loạn nhịp tim và hạ huyết áp, Chống lão hóa, Suy giảm miễn dịch.
TÓM TẮT MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ CÂY SÂM NGỌC LINH:
+ Sâm Ngọc Linh được đoàn điều tra dược liệu Khu V phát hiện lần đầu tiên tại núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800 mét vào lúc 9:00 sáng ngày 19 tháng 3 năm 1973, nhà thực vật học kiêm dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên là Panax Articulatus Kim Long Dao.
+ Từ năm 1973 đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh. Người đầu tiên có bằng Tiến sĩ về cây nhân sâm Ngọc Linh là Nguyễn Thới Nhâm. Sau đó là hàng loạt các công trình tiến sĩ, thạc sĩ (khoảng 50 công trình) ở nhiều viện nghiên cứu hàn lâm khoa học khắp nơi trên thế giới đã chứng minh nhân sâm Ngọc Linh là vị thuốc đặc biệt quý, đứng trên cả Nhân sâm Triều Tiên, Nhân sâm Trung Quốc và Nhân sâm Mỹ.
+ Ngoài những tác dụng do các cơ sở khoa học tín nhiệm đã nghiên cứu và tổng kết, nhân sâm Ngọc Linh còn có những đặc tính ưu việt mà các loại nhân sâm khác không có được đó là nó không có độc tính khi sử dụng liên tục dài ngày, có thể dùng chữa bệnh cho trẻ sơ sinh đến người già với liều dùng từ 50mg đến 200mg cho 1kg thể trọng, nghĩa là người cân nặng 50kg có thể dùng 10gr một ngày.

+ Hiện trên thị trường có nhiều loại sâm Ngoc Linh giả xuất hiện. Đó là việc sử dụng một loại sâm thuộc chi Panax ở biên giới Việt – Trung, sử dụng sâm vũ diệp hoặc củ tam thất hoang và củ ráy hoặc củ bảy lá một hoa. Để phân biệt sâm Ngọc Linh giả và thật bằng trực quan, có thể nhận biết là sâm Ngoc Linh thật củ nhẵn, đốt rõ ràng vì mỗi năm cây sâm Ngọc Linh chỉ ra một lá. Sâm giả da không nhẵn, củ to. Ngoài ra có thể nhận biết sâm bằng cách nhìn vào đất bám ở củ. Đất sâm Ngọc Linh sinh sống có nhiều mùn, các loại sâm giả thường bám đất đỏ. Cách dễ nhất hiện nay là khảo sát trọng lượng củ. Hơn mười năm nay, sâm Ngoc Linh bị khai thác cạn kiệt, những củ sâm trên 2 – 3 lạng là hiếm thấy, cần cảnh giác. Sâm Ngọc Linh có vị đắng dịu, kéo dài và thanh. Các loại sâm giả đắng “hỗn”, củ ráy ngứa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét