Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

B.52- BƯỚM PHƯỢNG XANH LỚN









Sưu tập :
B.52- Bướm phượng xanh lớn Papilio protenor
Đặc điểm nhận dạng:
Mặt trên cánh trước có màu xanh đen với những viền màu bạc chạy dọc theo gân cánh, cánh sau những viền bạc chạy theo gân cánh rõ hơn cánh trước. Bướm đực và bướm cái giống nhau, phần mặt dưới cánh sau có những mảng màu đỏ sát mép cánh hình bán nguyệt. Một  mảng màu đỏ khá lớn nằm ở mặt ngoài, gốc cánh không có màu đỏ như Papilio menmon và nhỏ hơn Papilio menmon. Vùng mặt dưới cánh trước có màu xanh đen và một dãy những gân cánh màu bạc kéo dài bắt đấu từ gốc cánh kéo dài đến vùng chót cánh và mờ dần. Các con đực và con cái không có đuôi dài. Sải cánh:  100 -130mm.
Nơi sống, sinh thái:
Có thể gặp ở những khu vực ngoại vi của các thành phố, nơi có vườn bưởi, một trong những loài cây chủ chính của loài này. Ở thành phố, thường chỉ gặp từng con đực đơn lẻ, thường bay khá nhanh, với mức độ dao động của đường bay lên xuống rất rộng, hoặc con cái bay chậm gần nơi có cây chủ. Ở trong rừng, loài này thường tụ tập hút chất khoáng ở ven suối cạn hay những vũng nước nhỏ trong rừng cùng với Papilio nephelus, Papilio menmon. Đôi khi gặp những cá thể đơn lẻ bay dọc theo các  con đường mòn trong rừng. Là loài khá phổ biến trong các khu rừng thường xanh còn tốt. Sâu non được ghi nhận là ăn một số thực vật thuộc họ cam Rutaceae.
Phân bố:
Vùng phân bố từ Ấn Độ đến Thái Lan Cambodia. Xuất hiện mọi nơi ở Việt Nam. Bướm được đặt tên theo màu sắc của cánh.
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:
Là loài bướm lớn, đẹp có thể là đối tượng để nhân nuôi vì nhiều mục đích khác nhau. Dễ gặp chúng ở ngoài thiên nhiên hơn loài Papilio memnon nhưng Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ chúng cũng tương tự như loài này.

Nguồn : SVRVN &  Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét