B.876- HỌ KIẾN SƯ TỬ
Sưu tập :

B.876- Họ Kiến sư tử

Họ Kiến sư tử - Myrmeleontidae hay còn gọi là Cúc hay Cút là một họ côn trùng thuộc bộ Cánh gân (Neuroptera), có tuổi thọ khá ấn tượng lên tới 30 năm. Họ Kiến sư tử bao gồm 2 nghìn loài với chi được biết đến nhiều nhất trong họ này là chi cùng tên (Myrmeleo).
Chúng có thể nâng được những vật có trọng lượng gấp 100 lần trọng lượng cơ thể và đặc biệt vẫn có thể sống sót sau 24 giờ bị rơi xuống nước.
Mô tả và đời sống sinh thái
Kiến sư tử phân bố trên khắp địa cầu, nhưng phổ biến nhất là ở các vùng đất cát và khô. Ấu trùng của kiến sư tử ăn các loài chân khớp nhỏ - chủ yếu là kiến (đó là nguồn gốc của cái tên "kiến sư tử") - trong khi đó kiến sư tử trưởng thành ăn mật hoa, phấn hoa, hoặc một số loài thì ăn thịt các loại chân khớp nhỏ khác.
Kiến sư tử trưởng thành có hai cặp cánh dài, hẹp và có nhiều gân - trong đó các gân đỉnh và phần bụng của chúng thì dài và thon. Mặc dù các loài cúc trưởng thành có hình dạng giống như chuồn chuồn hay chuồn chuồn kim, cúc và chuồn chuồn nằm trong hai bộ côn trùng hoàn toàn khác nhau. Có thể phân biệt cúc với chuồn chuồn kim nhờ vào đặc điểm râu của kiến sư tử/cúc có phần đầu phình to lên như một quả chùy và đồng thời râu có chiều dài rất lớn, có thể bằng ngực và bụng cộng lại. Đồng thời, cánh của kiến sư tử và của chuồn chuồn cũng khác nhau. Kiến sư tử cũng là loài bay kém và chỉ xuất hiện vào ban đêm để tìm bạn tình, vì vậy rất khó tìm thấy cúc trưởng thành trong tự nhiên vì giờ cao điểm của chúng là vào chiều tối. Tuy nhiên ở các vùng khô nóng như hoang mạc, kiến sư tử hoạt động rất tích cực đến mức có thể gây nhiều phiền toái, và một vết cắn của cúc thì khá là đau.
Lỗ cúc : Ấu trùng của một con cúc với kích thước trung bình sẽ đào một cái hang hình phễu sâu chừng 2 inch (5,08 cm) và rộng chừng 3 inch (7,62 cm) để bẫy con mồi. Việc đào hang này cũng được ghi nhận ở một họ của ruồi là Vermileonidae. Sau khi đánh dấu vị trí đào hang thích hợp bằng một đường xoi hình tròn, con cúc bắt đầu đào hang bằng việc dùng phần chót bụng để xúc cát lên. Với sự giúp đỡ của một chân trước, nó xúc từng đống cát một và dùng bụng hất tung đống cát về phía trước đầu. Bằng cách đó, từ chu vi con cúc tiến dần về trung tâm của hang. Cái hang dần dần sâu hơn cho tới khi góc dốc của hang đạt tới giá trị gọi là góc phản ứng tới hạn - tức là góc dốc lớn nhất mà bề mặt cát có thể giữ ổn định và chỉ cần một chút dao động kiến cho góc dốc tăng lên thì bề mặt cát sẽ sụt lở. Sau khi cái hang đã được đào xong, con vật chui xuống đáy, chống đít xuống dưới đất, đầu ngửng lên trời và chôn thân mình ngập trong lòng cát, chỉ chừa cái hàm sắc nhon lên trên.
Như đã nói, vì góc dốc của hang đạt giá trị góc phản ứng tới hạn, cái hang này sẽ dễ dàng sạt lở khi một động vật nhỏ (tỉ như kiến) vô tình đặt chân vào và sự sạt lở này sẽ khiến con vật trượt chân té xuống lòng hố, nơi kiến sư tử chờ sẵn. Nếu như con mồi bằng cách nào đó cố gắng bò lết lên được miệng hố, con cúc sẽ hất tung đất cát ở đáy hố lên trên khiến cát ở hố liên tiếp bị sạt lở và kéo con mồi xuống đáy.
Con mồi của kiến sư tử khá đa dạng, từ các loại côn trùng nhỏ như kiến cho tới một số loài chân khớp nhỏ khác, kể cả nhện. Như đã nói, những chiếc gai nhọn ở hàm cúc có một đường ống rỗng bên trong giúp nó hút chất dịch cơ thể của con mồi. Sau khi tiêu thụ hết "thịt", cái vỏ rỗng của nạn nhân sẽ được con cúc hất ra khỏi hang để các con vật khác không biết rằng hang này từng chứa nhiều nạn nhân của cúc. Cái hang được kiến sư tử tiếp tục chỉnh trang lại để đón con mồi mới.

Nguồn : Wikipedia & Internet