B.123-BỌ HUNG BA SỪNG
Sưu tập :

Họ Bọ hung Scarabaeidae
B.123- Bọ hung ba sừng - Chalcosoma atlas

Đặc điểm nhận dạng: Loài bọ cánh cứng có kích thước lớn, con đực có chiều dài tới trên 70mm. Toàn thân có màu đen bóng, trừ mắt và lông vùng miệng màu vàng nâu. Phần đầu và lưng trước liền khối với 3 sừng to dài, nhọn đầu và 1 sừng ngắn, nhỏ, nhọn nằm giữa 3 sừng to. Hai sừng hai bên nằm về phía sau (trên), đối xứng nhau và cong vút vào trong như hai ngà voi. Sừng phía trước cong gập về phía sau, giữa phần gập phía trong có một bướu tù to. Những chiếc sừng đã góp phần tạo hình dáng đặc sắc cho con vật và chúng trở nên có giá trị rõ rệt về mặt thẩm mỹ. Độ dài của phần được cánh cứng bao phủ và phần lưng trước cộng sừng gần bằng nhau. Con cái có kích thước nhỏ hơn và không có sừng.
Sinh học, sinh thái:
Loài thích sống ở rừng ẩm nhiệt đới gần xích đạo thuộc Đông Nam châu Á.
Phân bố:
Trong nước: Trung bộ (Lâm Đồng: Bảo Lộc), Nam bộ (Vườn quốc gia Cát Tiên).
Thế giới: Đông Bắc Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia (Sumatra), Philippin.
Giá trị: Là loài côn trùng cánh cứng có kích thước lớn, đẹp và rất hiếm nên đã và đang bị thu bắt tích cực để buôn bán ở Việt Nam và trên thị trường quốc tế.
Tình trạng: Rất hiếm gặp trong thiên nhiên, số lượng cá thể của loài bị suy giảm nghiêm trọng do bị thu bắt triệt để và nơi cư trú bị phá huỷ.
Biện pháp bảo vệ: Cần tuyệt đối cấm thu bắt loài này để bảo tồn và phục hồi nguồn gen. Cấm khai thác sinh cảnh sống của chúng trong tự nhiên.

Nguồn : SVRVN & Internet