Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

2232- NIỄNG


(Sưu tập lại Bộ Hòa thảo)



















NIỄNG

Thân phồng to, xốp, mềm - Em là Niễng
Lá phẳng, thuôn, hai mép dày hơn
Vị ngọt, béo, mùi thơm, không độc
Thức ăn ngon, thân làm chiếu, mành mành.

BXP

Sưu tập mới

Niễng, Niễng niễng, Cây lúa miêu - Zizania caduciflora, Chi Zizania, Họ Cỏ, lúa - Poaceae, 18-bộ Poales Hòa thảo, bộ Cỏ hoặc bộ Lúa (nhánh 4)

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, mọc ngập trong nước hay chỗ nhiều bùn; thân rễ rất phát triển, thân đứng cao tới 1-2m, phần dưới gốc to xốp. Lá phẳng, thuôn hình dải, dài 30-70cm, rộng 2-3cm, cả hai mặt đều ráp, hai mép dày hơn. Bẹ lá nhẵn, khía rãnh; lưỡi bẹ hình bầu dục; ở nách các lá có những chồi, đến mùa sẽ đâm ra các lá. Cụm hoa chuỳ hẹp, dài 30-50cm, cuống chung khoẻ, phân nhánh nhiều, mang bông nhỏ đực ở trên, bông nhỏ cái ở dưới, hoa đực có 6 nhị với chỉ nhị ngắn; hoa cái có bầu với đầu nhuỵ dài.
Nơi mọc: Loài có nguồn gốc ở Đông Xibêri, được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Á châu. Ở nước ta, cây được trồng ở bờ ao, ven hồ, ao cạn nước còn bùn nhão hoặc ruộng nước, phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ như ở Hà Nội (vùng ngoại thành), Thái Bình (Vũ Thư), Nam Hà (Đồng Văn), Lâm Đồng (Đà Lạt). Trồng vào tháng 9-10 bằng phần mềm tách ở gốc ra, trồng cách nhau 50-60cm vào nơi có bùn nhão, theo hàng hoặc không. Cần chăm sóc để không cho cỏ dại phát triển và giữ đủ nước.
Củ niễng do thân phồng to, xốp, mềm, hình chuỳ dài, khi non cắt dọc hoặc ngang đều có phần mô mềm trắng, có những chỗ màu xanh lục của các sợi nấm, khi già có những vết màu đen chứa đầy bào tử của loài nấm than - Ustilago esculenta P. Henn ký sinh trên thân cây. Phần phình của thân cây Niễng thường có tên là Giao cô hay Giao bạch.
Công dụng: Vị ngọt, béo, mùi thơm, tính lạnh, không độc. Người ta thường dùng củ thái nhỏ ăn sống hoặc xào với rươi hoặc luộc ăn. Dùng củ Niễng ăn chữa được bệnh về tim và thường dùng đối với các trường hợp nóng ruột, táo bón, kiết lỵ.
Ngoài ra, cây Niễng còn có nhiều công dụng:
- Trồng để làm cạn khô vùng đất ướt hoặc giữ cho bờ ao khỏi bị sụp lở.
- Hạt Niễng (Giao bạch tử) ở Nhật Bản được dùng ăn trộn với cơm, ở Trung Quốc cũng là một loại ngũ cốc dùng để ăn khi mất mùa.
- Thân cây Niễng dùng làm mành mành hoặc chiếu.

- Lá non dùng làm thức ăn cho trâu bò; lá già dùng làm bột giấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét