Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

SƯU TẦM CON VẬT LẠ 57


Rùng mình trước loài rắn độc có nọc làm tan chảy thịt người


Không chỉ làm tê liệt thần kinh mà nọc độc của rắn hổ lục mũi giáo vàng còn làm tan chảy thịt con mồi, thậm chí là con người.

Chỉ sinh sống tại hòn đảo Ilha de Queimada Grande, hay còn gọi là Đảo Rắn ở Brazil, rắn hổ lục đầu giáo vàng là một trong những loài rắn độc nhất thế giới có nọc không chỉ phá hủy cơ thể mà còn làm tan thịt con mồi cũng như con người nếu như bị cắn.
Rắn hổ lục đầu giáo vàng có tên khoa học là Bothrops insularis. Sở dĩ loài rắn này có tên gọi như vậy là do màu sắc da bụng vàng óng như màu vàng kim loại và chiếc đầu nhọn như mũi giáo đặc trưng. Chúng có chiều dài trung bình là 70cm nhưng cũng có thể đạt tối đa là khoảng 120cm.

Chúng có đầu nhọn như mũi giáo và làn da màu vàng óng của kim loại.
Theo nghiên cứu của nhà sinh vật học Ludwig Trutnau, tỷ lệ tử vong nếu bị rắn hổ lục đầu giáo vàng cắn là 7% nếu không được điều trị và 3% nếu được điều trị kịp thời. Các triệu chứng nhiễm nọc độc của rắn đầu giáo vàng bao gồm: phù nề, đau cục bộ, buồn nôn, nôn mửa, tụ máu, nôn và tiểu ra máu, chảy máu trong ruột, suy thận, xuất huyết não và hoại tử cơ nặng nề.

Chúng là một trong những loài rắn độc nhất thế giới.
Được biết, trong nọc của rắn hổ lục đầu giáo vàng chứa chất độc gây hại máu có thể làm tan mô và thịt của con mồi. Ngoài ra, nọc của chúng cũng không thể thiếu chất gây độc thần kinh có thể giết chết con mồi.

Nọc độc của rắn hổ lục đầu giáo vàng không chỉ làm tê liệt thần kinh mà còn làm tan chảy thịt con mồi.
Do loài rắn này chỉ sinh sống ở nơi không có con người nên những báo cáo về việc con người bị chúng cắn dường như là rất hiếm. Tuy nhiên, rắn đầu giáo nói chung vẫn bị cho là nguyên nhân dẫn tới sự nhiễm độc và tử vong do rắn cắn ở khu vực Bắc và Nam Phi.
***

Các loài vật ăn thịt đồng loại đáng sợ


Những loài vật ăn thịt đồng loại này có cả ở trên cạn lẫn dưới nước.

Hiện nay, các nhà khoa học đã ghi nhận được hơn 1.500 loài động vật có hành vi ăn thịt đồng loại. Dù khái niệm này khá “rùng rợn” trong suy nghĩ của con người nhưng đây không phải là hiện tượng hiếm gặp trong giới động vật. 
1. Nhện lưng đỏ Úc 

 
Trong ảnh, bạn có thể thấy chú nhện đực nhỏ hơn nhện cái rất nhiều lần. Bạn có biết, nhện cái dành khoảng 2/3 thời gian giao phối để “ăn thịt” con đực. Vậy mà nhiều nhện đực vẫn tình nguyện hy sinh để kéo dài thời gian giao phối, nhờ đó nâng cao tỉ lệ thụ tinh.
Một lý do nữa cho hành động cảm tử này của nhện đực là con nhện cái sau khi ăn no sẽ không muốn giao phối với con nhện đực nào khác. 
2. Cá sấu 

Bức ảnh này chụp một con cá sấu đang ăn xác một con cá sấu khác trên sông Mission, Australia. Trong điều kiện khan hiếm thức ăn, cá sấu thường ăn thịt các con non. Bên cạnh đó, chúng còn ăn thịt các xác chết động vật, kể cả đồng loại của chúng.  
3. Bọ ngựa 

 
Bọ ngựa cái nổi tiếng với việc cắn đứt đầu bọ ngựa đực khi đang giao phối. Dù bị mất đầu, hạch thần kinh bụng ở thân bọ ngựa vẫn giữ nó sống thêm vài giờ đồng hồ và quá trình giao phối vẫn tiếp diễn như bình thường. Bọ ngựa đực có thể thoát chết nếu nó nhảy nhanh khỏi lưng bọ ngựa cái ngay sau khi việc giao phối hoàn thành.
4. Cá mập hổ cát

Ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, những con cá mập non đã mọc răng nanh. Cá mập con lớn nhất sẽ lần lượt ăn thịt hết các anh chị em của nó trong bụng mẹ, do vậy chỉ có một con cá mập con khoẻ mạnh nhất được sinh ra. Về mặt sinh thái, hiện tượng này sẽ hạn chế số lượng cá mập trong môi trường khan hiếm thức ăn ở các đại dương.  
5. Nhện góa phụ đen 

Màu đỏ trên lưng nhện góa phụ đen cảnh báo cho những loài khác về nọc độc chết người của nó. Sở dĩ có tên gọi "góa phụ đen" bởi sau khi giao phối, nhện cái ăn thịt những con nhện đực (vốn nhỏ hơn và yếu hơn nhện cái). 
Những con nhện đực dù có nọc độc đi chăng nữa cũng không thể chống trả lại nhện cái. Việc ăn thịt nhện đực giúp nhện cái có thêm chất dinh dưỡng, chuẩn bị cho quá trình sinh sản diễn ra thuận lợi.  
6. Bọ cạp 

 
Bọ cạp là loài vật sống đơn độc. Khi gặp đồng loại của mình, bọ cạp thường lao vào đánh nhau và sau đó con bọ cạp thua cuộc sẽ bị đồng loại của nó ăn thịt. Khoảng 1/4 khẩu phần của bọ cạp là thịt của những con bọ cạp khác. Giống như nhiều loài nhện và côn trùng, bọ cạp cũng là loài ăn thịt bạn tình sau khi giao phối. 
7. Muỗm Mormon

 
Loài muỗm Mormon có họ hàng gần với dế sống ở Bắc Mỹ. Chúng thường di chuyển thành một đàn lớn để tìm kiếm thức ăn. Những con muỗm nào kiệt sức và chết sẽ ngay lập tức trở thành thức ăn quý giá cho đồng loại của nó bởi cơ thể chúng là một nguồn protein và muối khoáng quan trọng.
8. Rắn chuông

 
Đây là loài vật ăn thịt đồng loại vô cùng đáng sợ. Sau khi sinh con, rắn chuông cái sẽ ăn thịt những rắn con bị chết non hoặc quá yếu ớt và không có khả năng sống tự lập. Các nhà khoa học ước tính, khối lượng rắn con mà rắn mẹ ăn thịt bằng 11% khối lượng cơ thể rắn mẹ. Hành động này sẽ giúp rắn mẹ phục hồi sức khỏe nhanh chóng, chuẩn bị cho lần đẻ trứng tiếp theo. 
9. Sư tử 

 
Sư tử là loài sống theo đàn và mỗi đàn có một con sư tử đực trưởng thành làm con đầu đàn. Những con sư tử đực trẻ thường giao chiến với con đầu đàn để giành vị trí thống soái. Nếu thành công, chúng thường giết chết những con sư tử non là con của sư tử đầu đàn cũ như một cách để khẳng định vị trí và quyền lực của mình trong đàn sư tử.  
10. Tinh tinh


Tinh tinh là loài có họ hàng gần gũi nhất với con người và chúng cũng là một trong những loài động vật có trí thông minh cao nhất. Thế nhưng ít ai biết rằng, tinh tinh cũng là loài ăn thịt đồng loại. Những bầy tinh tinh đôi khi tổ chức những cuộc đi săn tập thể và bắt tinh tinh con để ăn thịt. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét