Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

SEN VÀ QUỲ


Lang thang tìm hoa trên mạng tình cờ tôi biết được có một loài hoa giống hệt hoa Sen, nhưng cũng có chỗ khác biệt:
Hoa quỳ có búp nhọn và dài hơn sen, phía trên đầu bông vút nhọn lên, trong khi hoa sen cánh bầu hơn, đầu bông không quá dài và cánh hoa úp lên nhau dày, thành từng lớp rõ ràng. Quỳ khó nở róc được như sen, cánh hoa quỳ bó chặt và khẽ rung là rụng xuống. Hoa Sen thì cánh hoa dẻo dai và khi nở thì nở bung thật to lộ ra đài sen, nhụy sen vàng óng ánh.
Để phân biệt senquỳ, có lẽ cách đơn giản nhất là dùng tay nắm nhẹ vào đám nụ còn chưa nở. Nếu là sen thì sẽ có cảm giác cái nụ dày và chắc nịch, còn hoa quỳ thì dường như rỗng, xốp hẳn ở bên trong. Tuy đều tỏa ra mùi hương, nhưng hoa sen thơm dịu dàng, còn quỳ thì có mùi hắc hơn.
Hoa Quỳ (bên trái) luôn có đỉnh nhọn và khó tách ra hơn hoa Sen (bên phải)
Giờ đây có thể dễ dàng phân biệt hoa Sen (bên trái) và hoa Quỳ (bên phải) sau khi tách các lớp cánh hoa
















Búp qùy  



















Qùy nở




















Sen nở




Ý kiến riêng tôi:
Tôi sưu tập về hoa Sen thấy rằng Họ Sen (Nelumbonaceae) - Bộ Proteales Quắn hoa chỉ có một chi duy nhất Nelumbo với hai loài:
+ Sen đỏ hay sen hồng (Nelumbo Nucifera Gaertn) mọc phổ biến ở nhiều nước châu Á và châu Úc.
+ Sen vàng hay sen trắng (Nelumbo lutea Pers) có ở miền Bắc và Trung Châu Mỹ
Loài hoa Quỳ ở trên cũng như hoa Tịnh đế liên (một cuống hai bông), màu hồng hay trắng ở Việt Nam đều có chung tên khoa học Nelumbo Nucifera. Còn loại Sen vàng chỉ có ở châu Mỹ. Theo mô tả trên thì ở quê tôi chỉ có Sen, không có Quỳ.
***
Theo yêu cầu của bạn Thái Thanh Tâm ở VNTH, tôi trích đăng tiếp tư liệu mà tôi tìm được trên mạng để các bạn tham khảo. Tôi chỉ là một nông dân đam mê cây cỏ, những điều nêu trên là tôi nhặt nhạnh trên mạng đó thôi

1. Thân
Cuống hoa và lá sen nhỏ và nhiều gai hơn quỳ. Nhưng gai sen không sắc, ác như quỳ. Vô tình sờ vào, cũng không bị cào tổn thương. Vì thế, người ta lội vào giữa đám sen cũng không làm sao. Thậm chí, lả lơi giữa đầm sen cũng vẫn an toàn. Còn nếu là quỳ, thì có mà... thương tích đầy mình. Gai sen gây tổn thương da lành (không có độc tính), không bị buốt, nhức, ngứa như quỳ.
2. Lá
Mặt dưới lá sen ít lông, mịn và mượt hơn quỳ. Không gây ngứa ngáy như quỳ. Do vậy, mới dùng để gói cốm, thịt, xôi... còn nếu dùng lá quỳ, mà không làm sạch lông, thì có mà... giã họng.
3. Búp (nụ)
Búp sen hình bầu, đầu không vót nhọn như quỳ. Búp sen tròn và to, nhưng ngắn hơn quỳ. Nhìn có cảm giác đầy đặn hơn quỳ. Sờ vào, chắc hơn búp quỳ. Đỉnh các cánh cong, chứ không nhọn hoắt như quỳ. Búp sen già, cánh có xu hướng mở ra, nhìn như miệng hồ lô, cánh hoa dưới gốc không rụng, vẫn dai. Nếu là sen hồng, đầu cánh hồng thẫm. Trong khi, búp quỳ già, cánh có xu hướng vón chặt lại, nhìn như mũi giáo, cánh hoa dưới gốc tự rụng, hoặc khẽ đụng vào là rụng. Đầu cánh búp quỳ hồng già, chuyển sang tím đen và héo, tóp lại. Khi mua, cứ cầm bó hoa chúi xuống dất, rũ rũ vài cái. Nếu là quỳ, thì cánh sẽ rụng rơi ra rất nhiều, sen thì không. Nếu người bán ngắt hết các cánh bên ngoài dễ rụng rồi, thì nhìn bó hoa quỳ rất mỏng, cánh ngoài còn lại non choẽn (nên nó sẽ thối và gục đầu chứ không nở). Hoa sen, thì không có lí do ngắt cánh. Kể cả khi cánh ngoài bung ra, cũng vẫn dính chặt cuống, rũ không rơi.

5. Mùi hương
Cánh sen có mùi thơm, cánh quỳ không có. Hương sen thơm mát, dễ chịu, ngay khi nụ hé là có mùi rồi, ở xa cũng ngửi thấy mùi. Còn hương quỳ nồng, ngái, hắc, khi nòi nhuỵ ra mới có mùi, ngửi sát mới thấy mùi. Vì vậy, nếu cắm một bình sen, cả căn phòng sẽ có mùi thơm, còn quỳ thì không. Ngang qua đầm sen cũng vậy, dù ở xa mà xuôi chiều gió là ngửi được mùi thơm. Còn quỳ, thì phải tới tận nơi, thậm chí lội vào giữa đầm cũng chả có mùi nếu không có hoa nở ngay chân.
6. Hạt và tâm
Hạt sen và quỳ, nhìn bên ngoài như nhau. Nhưng tâm sen có vị đắng, chát. Ăn xong một lúc mới thấy ngọt mát. Hạt sen có vị ngậy, béo, thanh. Ăn cả hạt và tâm, chỉ hơi hơi ngọt kiểu của đường. Còn quỳ, thì ngọt nhợ kiểu mì chính (bột ngọt), ăn không quen có cảm giác buồn nôn, tâm quỳ chát nhiều, ít đắng. Ăn xong một lúc, cũng chỉ thấy vị chát.
7. Côn trùng
Hoa sen chỉ cần hé nụ, là ong, bướm, kiến, dĩ... bu lại rất lâu. Còn quỳ, phải khi nở trơ nhuỵ, mới thấy côn trùng sà vào (chủ yếu là bướm), nhưng lại bay đi ngay, không đậu lại hút mật.
8. Dược lí, nguyên liệu
Cả quỳ và sen đều được sử dụng triệt để, nhưng tác dụng dược lí và nguyên liệu khác nhau. Tâm sen dùng để ướp trà, có tác dụng về an thần, lợi tiểu, tim mạch, tì vị, tâm quỳ lại không. Hạt sen dùng làm nguyên liệu mứt, chè, bánh, kẹo... nhưng bây giờ, chắc họ dùng toàn hạt quỳ nên ăn không có vị sen. Nếu là sen thật, thì lấy đâu ra lắm thế? Hạt quỳ, chủ yếu làm nguyên liệu chiết xuất dầu ăn.
Tóm lại, với tình hình thị trường bây giờ, khoảng 90% người mua sen vớ phải quỳ. Sản phẩm là quỳ, nhưng giá cả của sen (sen luôn cao giá hơn quỳ gấp 5 – 10 lần).


Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

1.415- LONG ĐỞM








LONG ĐỞM

Cây lưu niên, thân gỗ
Lá không cuống, phiến thon
Hoa đơn độc, lam tím
Trị viêm ruột, lỵ, gan.

BXP

Sưu tập

Long đởm, Đinh - Gentiana lourerii, chi Gentiana, họ Long đởm - Gentianaceae, Bộ Long đởm Gentianales.   
  
Mô tả: Cây thảo cao 5-10cm, sống nhiều năm; thân gỗ có ít lông cứng. Lá không cuống, phiến thon, dài 1-2cm, đầu có mũi, có mép cứng, có ít lông và rìa lông. Hoa đơn độc ở nách những lá ở ngọn, màu lam tím; đài cao 5mm; tràng cao 1cm, hình chuông nhị 5 dính ở gốc ống tràng, bầu một ô, 2 giá noãn bên. Quả nang cao 1cm, hơi dẹp, chia hai mảnh; hạt nhiều và nhỏ.
Hoa tháng 9-10.  
Nơi mọc: Cây mọc ở đất hoang vùng cao, thông thường ở Ðà Lạt. Thu hái toàn cây vào mùa xuân, mùa hạ. Rửa sạch và phơi khô.

Công dụng: Vị đắng, tính hàn. Dùng trị: Ðau cổ họng; Viêm gan, lỵ; Viêm ruột thừa; Bạch đới, đái ra máu. Dùng ngoài trị viêm mủ da, nhọt độc và viêm hạch bạch huyết thể lao, giã cây tươi đắp.

1.414- CỎ BƯƠM BƯỚM TRÀN








CỎ BƯƠM BƯỚM TRÀN

Nhánh mảnh, vuông, cây thảo
Lá phiến mỏng, xoan thon
Xim ngọn nhánh, hoa hồng
Nhuận tràng, thần kinh bổ.

BXP

Sưu tập

Cỏ bươm bướm tràn,  Can tràn - Canscora diffusa, chi Canscora, họ Long đởm - Gentianaceae, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, cao 20-60cm, nhiều nhánh mảnh, vuông. Lá có phiến mỏng, lá phía dưới có khi có cuống, hình xoan thon, góc tù tròn, dài đến 1,5cm, không lông. Xim ở ngọn nhánh có các cuống hình sợi; dài 6-7mm; cánh hoa cao 3,5mm, màu hồng, nhị 4; bầu 1 ô. Quả nang dài bằng đài; nhỏ, nhiều.
Có hoa quả tháng 12-1.
Nơi mọc: Loài của Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta thường gặp trong các ruộng vào mùa khô ở các tỉnh Nam Bộ.

Công dụng: Cũng được dùng như Cỏ bươm bướm - Canscorae decussata Schult, làm thuốc nhuận tràng, bổ thần kinh.

1.413- CỎ BƯƠM BƯỚM



















CỎ BƯƠM BƯỚM

Cây thảo, thân bốn cạnh
Lá không cuống, phiến xoan
Xim tam phân, thùy tròn
Cây nhuận tràng, lọc máu.

BXP

Sưu tập

Cỏ bươm bướm, Can chéo - Canscora decussata, chi Canscora, họ Long đởm - Gentianaceae, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Cây thảo hằng năm, cao khoảng 15cm, thân có 4 cạnh cao như cánh. Lá ít, không cuống; lá dưới xoan tròn, lá trên nhỏ như lá bắc; gân chính 3. Xim tam phân; cuống có cánh, dài 1cm; hoa cao 2cm; đài dài 1cm; thuỳ tràng tròn; nhị 4, bầu 1 ô. Quả nang hai van, với 1 hạt.
Nơi mọc: Cây mọc hoang ở vùng núi Tam Ðảo, dọc theo đường đi; cũng gặp ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.

Công dụng: Rễ có những tính chất đắng và bổ của long đởm. Cây nhuận tràng, lọc máu, bổ thần kinh, trấn kinh.

1.412- BÁCH KIM



BÁCH KIM

Cây phân nhánh từ gốc
Lá không cuống, phiến thuôn
Hoa bông dài, tím hồng
Thường nhầm cây Cù mạch.

BXP

Sưu tập

Bách kim - Erytharaea spicata,chi Erytharaea, họ Long đởm - Gentianaceae, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Cây thảo cao 10-30cm, thân thẳng, phân nhánh từ gốc, hoặc bắt đầu từ giữa thân, có các nhánh đứng. Lá không cuống, bầu dục thuôn, dài 1,5-2,5cm, rộng 0,3-1,3cm và có 2 tai tròn ở gốc hầu như tù ở đầu. Hoa hồng không cuống hay gần như không cuống, thành bông kéo dài, thưa, nằm một bên, trên toàn thân hay chỉ ở nửa trên. Quả nang mảnh, hai van; hạt nhiều, rất nhỏ, gần như hình cầu, nhăn nheo.
Hoa tháng 4.
Nơi mọc: Cây của châu Âu, châu Phi. Phổ biến trong các ruộng bỏ hoang ở Ninh Bình.

Công dụng: cây dùng nấu nước uống lợi tiểu. Thường lẫn lộn với thân cây Cù mạch - Dianthus superbus l, có khi cũng gọi là Cù mạch

1.411- OA NHI ĐẰNG LÁ NHỎ

















OA NHI ĐẰNG LÁ NHỎ

Phiến lá xoan bầu dục
Dây leo, phân nhánh nhiều
Hoa tía sẫm, chấm trắng
Chống ngộ độc rất siêu.

BXP

Sưu tập

Oa nhi đằng lá nhỏ, Ðầu đài mảnh - Tylophora tenuis, chi Tylophora, Phân họ Asclepiadoideae - Bông tai hay Thiên lý, Họ Apocynaceae - La bố ma, Trúc đào, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Dây leo thảo rất mảnh và phân nhánh nhiều. Lá hơi nạc, khi còn tươi, phiến xoan bầu dục hay thuôn ngọn giáo, dài 2-6cm, rộng 0,8-1,5cm, đầu nhọn, gốc tù, gân phụ 2-4 cặp, cuống lá có lông về phía ngọn, dài 1cm. Hoa màu tía sẫm hay đo đỏ và có chấm trắng, xếp thành xim ở nách rất mảnh, trải ra, lưỡng phân 2-8 lần, cao 3-8cm. Quả đại mảnh, hẹp, hình thoi, dài 4-7cm rộng 4-5mm; hạt nhiều, có răng ở phía dưới, có cánh, dài 4mm, rộng 2mm, có mào mảnh 2,5-3cm.
Ra hoa quanh năm.
Nơi mọc: Loài của Ấn Ðộ, Việt Nam, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia. Ở nước ta cũng chỉ gặp ở Ðồng Nai vùng thành phố Hồ Chí Minh.
Công dụng: Ở Malaixia, lá dùng để trị ghẻ.

Ở Ấn Ðộ, cây được dùng điều trị chảy mồ hôi, mày đay và bệnh đậu mùa; nước hãm dùng uống chống độc thuốc; nước sắc cây dùng chống ngộ độc arsenic và các loại nọc độc.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

1.410- THUỐC HEN

























THUỐC HEN

Dây leo, lá xoan thuôn
Hoa xanh xanh, trong vàng
Quả đại nâu, hạt dẹp
Trị ho, hen, gây nôn.

BXP

Sưu tập

Thuốc hen, Dầu dài ấn - Tylophora indica, chi Tylophora, Phân họ Asclepiadoideae - Bông tai hay Thiên lý, Họ Apocynaceae - La bố ma, Trúc đào, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Dây leo hay bò, mảnh, thân có lông mềm hay không. Lá xoan hay thuôn, gốc tròn hay hình tim, chóp nhọn có mũi hay mũi nhọn ngắn, lúc non có lông, về sau nhẵn. Tán hoa gồm các xim có cuống ở nách lá dọc theo thân. Hoa rộng 1cm, tràng xanh xanh ở ngoài, phía trong vàng đậm. Quả đại dài 6-7,5cm, hạt dẹp, màu đỏ nâu, có cánh hẹp và màu lông dài 2cm.
Nơi mọc: Loài phân bố ở Ấn Độ, Pakistan, Mianma, Nam Việt Nam, Malaixia. Ở nước ta, chỉ gặp ở các tỉnh An Giang (Châu Đốc) và Kiên Giang (Phú Quốc).

Công dụng: Cây gây nôn; lá cũng gây nôn, làm ra mồ hôi và long đờm. Tất cả các bộ phận của cây, chế thành bột, dùng thay thế Ipecacuanha làm thuốc gây mê và trừ lỵ; cũng dùng trị ho, hen. Lá cũng có tác dụng như cây.

1.409- OA NHI ĐẰNG
















OA NHI ĐẰNG

Dây leo, đầy lông vàng
Lá mọc đối; phiến xoan
Hoa màu vàng, quả đại
Trị phong thấp, đau sưng.

BXP

Sưu tập

Oa nhi đằng, Ðầu đài xoan - Tylophora ovata, chi Tylophora, Phân họ Asclepiadoideae - Bông tai hay Thiên lý, Họ Apocynaceae - La bố ma, Trúc đào, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Dây leo; thân, lá, lá bắc, các nhánh hoa và đài hoa phủ đầy lông vàng. Lá mọc đối; phiến lá xoan thon hay xoan rộng, chóp có mũi nhọn, góc tù hay hình tim, gân phụ 5-7 cặp, dai dai. Chùm mang tán có cuống ngắn hay dài; cuống hoa hình sợi dài 1,5cm; đài cao 2,5mm, đầy lông nhung, tràng hoa vàng, phiến 5mm, không lông, có 5 sọc. Quả đại giáp nhau, gốc phù; hạt dẹp, có mũi ngắn mang mào lông.
Ra hoa, quả tháng 8.  
Nơi mọc: Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Mianma, Ấn Ðộ. Ở nước ta, cây mọc ở Ninh Bình. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô, dùng dần.
Công dụng: Vị cay, tính ấm, có ít độc. Thường dùng rễ để trị: Phong thấp, đau gân cốt, đòn ngã ứ và sưng đau; Suyễn khô, tràng nhạc, mắt đỏ, bệnh sa nang, sốt rét và lỵ.

Ghi chú: Ðàn bà có thai và cơ thể suy nhược không được dùng.

1.408- THIÊN LÝ



Hoa thiên lý sào tỏi
THIÊN LÝ

Thân leo mềm mại dịu hiền
Xanh non mầu lá giữ bền sắc hoa
Tình chồng nghĩa vợ thiết tha
Canh cua Thiên lý đậm đà chân quê.

BXP

Sưu tập

Thiên lý, Hoa thiên lý, Hoa lý - Telosma cordata, chi Telosma, Phân họ Asclepiadoideae - Bông tai hay Thiên lý, Họ Apocynaceae - La bố ma, Trúc đào, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Dây leo quấn có thân cành hơi có lông, mủ trắng. Lá mọc đối, phiến lá hình tim, dài 6-11cm, rộng 4-7,5cm, chóp nhọn, mép lá thường cong lên. Hoa khá to, nhiều, màu vàng lục nhạt, mùi thơm dễ chịu, mọc thành xim dạng tán ở nách lá. Quả thuộc loại quả đại, dài 6-10cm, rộng 12-14mm; hạt dài 1,5cm, có mào lông dài 3cm.
Hoa tháng 5-8.  
Nơi mọc: Loài của Nam Trung Quốc và các nước Á châu nhiệt đới, được trồng làm giàn cho mát và lấy hoa nấu canh ăn. Thu hái lá quanh năm, hoa vào lúc cây có hoa và quả vào mùa thu đông, phơi hay sấy khô để dùng dần.
Công dụng: Vị ngọt nhạt, tính bình. Người ta thường dùng hoa thiên lý xào hay nấu canh ăn bổ mát, giúp ngủ ngon không trằn trọc, bớt đi đái đêm và đỡ mệt mỏi đau lưng.

Hoa thiên lý còn có tác dụng giải nhiệt, an thần, gây ngủ và còn có tác dụng trị giun kim. 

1.407- DÂY GÁO VÀNG






















DÂY GÁO VÀNG

Cây leo, lông nâu sét
Lá dai, hoa xim kép
Cánh hoa dài, vàng thơm
Tiêu sưng, hạ trọc khí.

BXP

Sưu tập

Dây gáo vàng - Toxocarpus villosus, chi Toxocarpus, Phân họ Asclepiadoideae - Bông tai hay Thiên lý, Họ Apocynaceae - La bố ma, Trúc đào, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Cây thảo leo dài, có lông màu nâu sét. Lá dai, đầu có mũi, mặt dưới có lông sét ở gân. Cụm hoa xim kép có lông sét dày. Hoa vàng thơm, cánh hoa dài 1cm. Quả đại đối diện nhau, dài 10-12cm, rộng 5mm, có lông sét. Hạt có lông mào dài 1,5-2cm.
Hoa tháng 12-3.
Nơi mọc: Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, gặp mọc hoang ở lùm bụi, bờ rào, ven rừng.

Công dụng: Cây có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng; còn bổ tỳ, tiêu thực.Thường dùng chữa phong thấp, tê rần. Ở Ấn Độ, cây được dùng trị bệnh spru. Lương y Việt Cúc (Nguyễn Văn Thế) viết về Gáo vàng như sau: Dây gáo vàng mát, tiêu sưng thũng, mụn mọc trong dạ dày, thông lợi tiểu tiện, trị nhức mỏi.

1.406- DÂY QUẢ CONG


















DÂY QUẢ CONG

Phiến lá xoan, mọc đối
Hoa xim kép, màu vàng
Quả đại phủ lông hung
Dùng giảm đau, giải độc.

BXP

Sưu tập

Dây quả cong - Toxocarpus wightianus, chi Toxocarpus, Phân họ Asclepiadoideae - Bông tai hay Thiên lý, Họ Apocynaceae - La bố ma, Trúc đào, Bộ Long đởm Gentianales.   

Mô tả: Dây leo có lông hoe mau rụng. Lá mọc đối, phiến xoan bầu dục, dài 3,5-5cm, rộng 1,5-3cm, đầu có mũi gai, nhẵn bóng, ít khi có lông ở mặt dưới, gân phụ 5-6 cặp, cuống dài cỡ 6-10mm. Hoa tập hợp thành xim kép ở nách lá, lá bắc nhỏ kết hợp, hoa vàng hay vàng kim, cuống mảnh, dài 1,5cm; đài nhỏ, cánh hoa cao 1cm. Quả đại dài 6-7cm, rộng 9mm, phủ lông hung, hạt to cỡ 9x3mm, mào lông dài quá 3cm.
Nơi mọc: Cây mọc ở dốc núi, đất bằng, trong lùm bụi và trên đá nhiều nơi, từ Hải Phòng, Hải Hưng, Nam Hà, Ninh Bình tới Khánh Hoà.
Công dụng: Cây có tác dụng khu phong, giảm đau, tiêu thũng, giải độc .

Ở Trung Quốc, dùng trị dao chém thương tổn, sâu quảng, trâu bò ăn không tiêu.