Hành trình tìm về cội nguồn Họ Bùi Tùng Ảnh
Như đã đưa tin, ngày 16/12/2017, ông Bùi Xuân Phượng (cùng các con)
và em là Bùi Xuân Tương đã gặp Cụ Bùi Thân và anh em ông Bùi Năng
Cận để nhận mặt họ hàng Chi 5 Họ Bùi Tùng Ảnh. Tại cuộc gặp mặt này, ông
Bùi Xuân Phượng đã xúc động kể lại quá trình đi tìm nguồn gốc họ tộc
dựa trên những thông tin ít ỏi cha ông để lại. BBT xin đăng bài viết Hành trình tìm về cội nguồn Họ Bùi Tùng Ảnh mà ông Bùi Xuân Phượng vừa gửi tới.
Đêm 10 rạng 11 tháng 2 năm 1947, Pháp đánh Cẩm Giàng, trong một phút
cuống cuồng chạy giặc, cha tôi, Bùi Xuân Diệu, đã làm văng mất chiếc ống
quyển, trong đó có cuốn Gia phả mà Nội tôi đã dịch ra Quốc ngữ để lại
cho cha tôi cùng một số giấy tờ quan trọng khác. Cuốn Gia phả cha tôi để
lại cho tôi chỉ vẻn vẹn mấy dòng ghi lại ngày giỗ. Trong lòng tôi luôn
âm thầm một nỗi đau “kẻ mất Gia phả”.
Tháng Giêng năm 1995, tôi khởi thảo viết lại Gia phả. Tháng chạp năm Ất
Dậu (t.1/2006), anh em tôi đã quy tập, xây cất hoàn thiện hệ thống phần
mộ gia đình khang trang bền vững. Bên cạnh niềm vui mộ phần hoàn thiện,
lòng tôi lại nhói đau. Những điều tôi viết được cũng chỉ hạn hẹp về hai
đấng sinh thành, còn về cội nguồn dòng họ thì mịt mờ tăm cá.
Tháng 3/2006, như có một sức mạnh tâm linh huyền bí thôi thúc, tôi cùng
con trưởng quyết tâm ra đi tìm cội nguồn, dựa vào mấy chi tiết :
1- Năm 1960, đọc tiểu sử TBT Trần Phú thấy ghi thôn Tùng Ảnh, xã Việt Yên, trùng với địa danh ghi trong Gia phả.
2- Về cụ tôi “Mậu Thân khoa Tú tài tự Đình Nghi” (Tức là cụ Bùi Đình
Nghi đỗ Tú tài khoa Mậu Thân 1848). Xe ôm đã đưa cha con tôi đến tận nhà
người trông nhà thờ họ Bùi Đình, được đọc Phả hệ và danh sách khoa
bảng. Tôi không tìm thấy tên cụ tôi trong phả hệ và DSKB, nhưng nghiên
cứu DSKB tôi xác định cụ tôi thuộc đời thứ 12 của dòng họ này. Sau đó xe
ôm lại đưa cha con tôi đến người giữ gia phả cách đó 30km, nhờ ông tìm
giúp trong gia phả đời thứ 12. Khi ông giở gia phả đời thứ 12 thì đúng
có tên cụ tôi : Bùi Đình Nghi con cụ Bùi Đình Truyền, nhưng đã chuyển
sang Lương Diễn-Nam Đàn. Thấy rõ tên cụ mình trong gia phả làm sao không tin! Sau
đó anh em tôi đã tổ chức về dâng hương, chụp ảnh toàn bộ Gia phả, phả
hệ, DSKB. Nhưng khi về, nghiên cứu kỹ gia phả, ngoài tên cụ tôi trùng
với tên cụ đời thứ 12, còn lại đầy rẫy những mâu thuẫn về địa danh và
nhiều thứ khác. Tôi bảo em đến hỏi ông chú ở HN về cuốn gia phả của cụ
Mậu, chú tôi đã nhờ người dịch và trao cho tôi. Nghiên cứu gia phả này
tôi càng thất vọng : không có một tên nào trùng với tên các cụ nhà tôi.
Nhưng vì sao các cụ nhận nhau, lại xác định rõ nhà tôi thuộc ngành trên
và đi lại với nhau rất thân tình.
Mười một năm qua, nỗi khát khao cội nguồn vẫn luôn cháy bỏng trong tôi.
Những ngày gần đây tôi cứ thấy bồn chồn, day dứt. Một hôm, ngồi trước
bàn phím, tôi thẫn thờ gõ vào google mấy chữ “họ Bùi Tùng Ảnh”, cũng
không có ý niệm rõ rệt tìm gì. Thế rồi, trang website HỌ BÙI TÙNG ẢNH
hiện lên rực rỡ, nhìn mấy chữ “Việt Yên hạ” tôi thấy ngỡ ngàng. Một cảm
giác rất lạ lùng, tôi không giải thích được. Tôi cứ đọc, thấy nhiều điều
khác lạ so với gia phả họ Bùi Đình. Tôi viết thư cho Bùi Năng Tiến
(Quản trị trang website) nhờ xác định họ Bùi Đình ở Yên Hội… Sau khi
nhận được hồi âm, biết rõ mình đã nhận nhầm họ Bùi Đình, tôi tiến hành
nghiên cứu kỹ Phả hệ HỌ BÙI TÙNG ẢNH. Mặc dầu không tìm thấy tên các cụ
tôi trong Phả hệ này nhưng tôi đã sớm khẳng định đây chính là gốc Tổ của
tôi.
Đọc bài “Họ Bùi Đức Thọ” và Phả hệ “họ Bùi tùng Ảnh”, liên hệ với Gia
phả cụ Mậu tôi tìm được những chi tiết trùng hợp: Dòng họ Bùi gốc bản
địa có từ thời Việt cổ ở xã Cổ Quyết Viết (Sau là Việt Yên Hạ);Thủy Tổ
của họ này là Bùi Lạo (Gọi là ông Hư Vô); Bùi Thọ (Sau đổi thành Bùi
Thứ), Bùi Ân (Sau đổi thành Bùi Viết Tâm). Đọc Phả hệ Chi 5-11, Tiên Tổ
Bùi Lãng chỉ có một con trai là Bùi Đá, sau đổi là Bùi Trung. Tổ Bùi
Trung sinh ba trai Bùi Thọ, Bùi Do, Bùi Sơn và một gái là Bùi thị Khê,
Gia phả của cụ Mậu : Bùi Thứ, Bùi Ân và Bùi Thị Khê. So sánh Phả hệ thì
Bùi Thứ chính là Bùi Thọ, Bùi Ân chính là Bùi Sơn (Bùi Viết Tâm), thiếu
cụ Bùi Do. Đến dòng cụ Bùi Thọ sinh được ba trai là Bùi Tố, Bùi Tế, Bùi
Thanh và một gái là Bùi Thị Hóa. Ở đời này thì Gia phả cụ Mậu trùng khớp
với Phả hệ. Đời tiếp : Cụ Bùi Tố sinh được một trai là Bùi Nguyện không
biết đi đâu. Cụ Bùi Tế mất sớm, cụ Bùi Thanh có hai trai là Bùi Úy, Bùi
Mậu, chuyển sinh sống ở Yên Bái. Ở gia phả cụ Mậu có thêm cụ Bùi Dịch
Từ (sinh ra ông Long).
Đối chiếu Gia phả cụ Mậu và Phả hệ HỌ BÙI TÙNG ẢNH có những nét trùng
hợp cơ bản (chỉ khác một số chi tiết do tên các cụ thay đổi).
+ Gốc xuất xứ là Quảng Hóa – Thanh Hóa
+ Thủy Tổ là Bùi Lạo (Hư Vô)
+ Trùng với Phả hệ Chi 5-11
+ Dòng cụ Bùi Thọ có bốn con thì ba trùng, còn trưởng là Bùi Sóc khác
với Bùi Tố, nhưng Bùi Sóc có con là Bùi Nguyện, Bùi Tố cũng có con là
Bùi Nguyện. Vậy Bùi Sóc cũng chính là Bùi Tố rồi.
Liên hệ gia đình tôi với gia phả cụ Mậu :
+ Các cụ nhận nhau từ khi Nội tôi còn, xác định rõ gia đình tôi thuộc
ngành trên, cụ Mậu, cụ Từ đã nhiều lần về nhà tôi, cụ Từ gửi con là ông
Long về học cha tôi, hai nhà đi lại với nhau rất thân tình.
+ Theo lời bà thím (mẹ cô Liên), người mà cô Liên gọi là cụ và người mà
tôi gọi là cụ là hai anh em ruột. Cụ cô Liên là cụ Thanh, anh ruột cụ
Thanh là cụ Sóc hay cụ Tố, cũng chính là cụ Bùi Đình Nghi. Vậy cha tôi
và các ông Ý, Tứ, Long là anh em cháu chú cháu bác; tôi và các cô Liên,
Hạnh, Vân là anh em chắt chú chắt bác (đời thứ tư). Kết lại, dòng cụ Bùi
Thứ (gia phả cụ Mậu) cũng là cụ Bùi Thọ, chính xác là dòng trưởng của
Chi 5-11.
Xét riêng về cụ Bùi Đình Nghi tức Bùi Tố : Tiên Tổ Bùi
Thọ sinh năm Đinh Mão tức 1807, Đình Nghi tức cụ Bùi Tố, gt sinh năm
1828, đỗ Tú tài khoa Mậu Thân (1848), tức là năm 20 tuổi; năm 1853, 25
tuổi sinh con là Bùi Nguyện (Bùi Thuật), mất năm Đinh Hợi 1887, thọ 60
tuổi. Như vậy là hợp lý. Theo Phả hệ Chi 5-11 (thi đỗ đầu phủ rồi thi
trúng nhị trường, tháng sáu năm Ất Dậu (1885), hiệu Hàm Nghi, kinh thành
thất thủ, ông qua tỉnh Thanh Hóa, Huyện Yên Định khởi nghĩa cần vương,
đến năm Đinh Hợi ông mất ở phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.)
“thi đỗ đầu phủ” có thể ứng hợp với “đỗ Tú tài khoa Mậu Thân” (1848),
“rồi thi trúng nhị trường” thì không rõ năm nào. “tháng sáu năm Ất Dậu
(1885), hiệu Hàm Nghi, kinh thành thất thủ” – Liên hệ tư liệu lịch sử :
Bắc Kỳ sau năm 1884 đã thực sự nằm trong tay quân đội viễn chinh Pháp,
vận mệnh Triều đình Huế cũng treo lơ lửng …Tháng 8/1884, Tôn Thất Thuyết
phò Ưng Lịch nên ngôi hiệu là Hàm Nghi, Pháp đòi phải làm giấy xin
phép. Nguyễn Văn Tường phái đứng ra dùng biện pháp ngoại giao mềm mỏng
để Tôn Thất Thuyết ngấm ngầm chuẩn bị … Đêm mồng 4 rạng mồng 5/7/1885
(23/5/Đinh Dậu), quân Nam bất ngờ nổ súng đánh đồn Mang Cá. Pháp bị bất
ngờ có chút thiệt hại nhưng đến gần sáng thì phản công, quân Nam thiệt
hại nặng, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, phát chiếu
Cần Vương. Phả hệ viết cụ tham gia phong trào Cần Vương ở Yên Định TH,
nhưng truy cứu lịch sử Yên Định không có phong trào Cần Vương. Thời ấy
có rất nhiều cuộc khởi nghĩa Cần Vương, nhưng chỉ có hai cuộc khởi nghĩa
ứng hợp với cụ : cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở quê và cuộc khởi
nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên. Phả hệ viết cụ mất ở Hưng Yên năm 1887. Như
vậy có thể cụ tham gia cuộc khởi nghĩa này.
* Còn một mắc míu cuối cùng : cụ Bùi Thân sinh năm 1932 và cụ Bùi Thuật sinh năm 1853, chênh nhau 79 tuổi là anh em?
Tiên Tổ Bùi Thọ sinh năm 1807, Tiên Tổ Bùi Sơn sinh năm 1828, chênh 21 tuổi.
Tổ Bùi Đình Nghi sinh năm 1828, Tổ Bùi Viết Mỹ sinh năm 1867, chênh 39 tuổi.
Cụ Bùi Thân sinh năm 1932, tức là Tổ Bùi Viết Mỹ năm 65 tuổi mới sinh con út.
Chuyện này đối với các cụ xưa không lạ. Cha tôi là út, sinh năm 1911, tức là ông nội tôi năm 58 tuổi mới sinh cha tôi.
Cụ Thuật sinh năm 1853, cụ Thân sinh năm 1932, chênh nhau 79 tuổi là lẽ
đương nhiên. Cụ Thuật và cụ Thân là anh em cháu chú cháu bác, dòng máu
trực hệ gần.
Như vậy, xâu chuỗi các sự kiện, xác minh các mâu thuẫn, giải tỏa hết
không còn gây gợn, tôi chính thức nhận Họ. Nhận Họ phải nhận Hàng, không
có Hàng sao gọi là Họ. Tôi rất sung sướng được kính hai cụ Bùi Thêm và
Bùi Thân là Ông.
Suy ngẫm lại : Chính việc nhận nhầm năm 2006 đã dẫn
tới kết quả mỹ mãn hôm nay. Nếu năm ấy xe ôm đưa tôi đến ngay “họ Bùi
Tùng Ảnh” chưa chắc tôi đã nhận vì không thấy tên cụ tôi trong phả hệ.
Không có mâu thuẫn Gia phả Bùi Đình tôi không được đọc Gia phả cụ Mậu,
mọi thứ rồi sẽ chìm vào dĩ vãng mênh mông.
Cũng nhờ sự kiện này mà giải tỏa được nỗi trăn trở về quan
hệ giữa gia đình tôi với các ông chú ở Hà Nội, chứng minh
được mối thâm tình giữa hai nhà hơn 80 năm qua, từ khi tôi còn
chưa ra đời.
Tổ Tiên đã chứng dám lòng thành ban cho tôi được hưởng lộc lớn hôm nay.
Bùi Xuân Phượng
Hậu duệ đời 18 Chi 5-11 HỌ BÙI TÙNG ẢNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét