Sưu tập :
B.3.309- Bướm thượng sỹ nhiều răng - Athyma ranga
Đặc điểm nhận dạng: Loài này đặc biệt có số lượng đốm các kiểu cực kỳ dày đặc nên không còn có thể nhầm lẫn với các loài của giống Neptis và đây cũng là đặc điểm khác xa so với các loài khác cùng giống Athyma. Đặc biệt là ở con đực dạng mùa ẩm và con cái trông rất giống nhau: các đốm như những chiếc răng xếp thành hàng dày và các hàng lại chạy liền kề nhau theo bề ngang của cánh làm cho màu nền đen nâu còn lại rất ít và chiếm diện tích không đáng kể trên bề mặt các cánh. Mặt trên: con đực: thiếu dải trung tâm ở cánh trước, thay vào đó là các đốm mờ màu xanh nhạt, và các đốm ở vùng giữa gần mép ngoài cánh ở khoảng 4 biến mất, hoặc chỉ còn là một chấm nhỏ. Dải giữa cánh sau cong và đốm ở khoảng 7 tách biệt so với những đốm còn lại; các đốm ở vùng giữa gần mép ngoài cánh bị bôi bẩn bằng màu đen; con cái: các đốm ở vùng giữa gần mép ngoài cánh trắng hơn ở con đực. Mặt dưới: Vệt cánh trước đứt gãy thành các khúc và những điểm trang trí khác màu trắng ở cả hai cánh nổi bật và khá lớn, vùng gốc cánh có màu xanh lục nhạt. Sải cánh : 50 -55mm.
Sinh học sinh thái: Đây là loài ít phổ biến ở rừng phục hồi thứ sinh, ở bìa rừng và gần các sông suối ở độ cao vừa phải và thấp. Bướm bị hấp dẫn bởi một số cây có hoa. Chúng xuất hiện quanh năm và bướm cái đẻ trứng trên một số cây thuộc chi Bọt ếch họ Thầu dầu Euphobiaceae. Glochidion wrightii, G.macrophyllum, Phylllanthus sp.
Phân bố: Ấn độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Phân bố tương tự như A.nefte, nhưng hiếm hơn
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ: Là loài có phổ phân bố hẹp và hiếm gặp. Đây là loài có màu sắc, hoa văn khá đặc biệt trong giống Athyma, vừa chắc khỏe vừa đẹp và rực rỡ. Bảo vệ rừng là biện pháp tốt nhất để bảo tồn và tạo điều kiện cho chúng phát triển.
Nguồn : SVRVN & Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét