Quy luật vô thường không ai biết
trước, cuộc sống của tôi có thể còn 5-10 năm nữa, cũng có thể một sớm một
chiều, Bộ sưu tập này có thể là công trình cuối cùng tôi hiến cho bạn đọc,
trước khi vào Sưu tập xin được viết đôi dòng tâm sự.
Tôi thực sự chỉ là nông dân đầu
trần, chân đất, tai nghễnh ngãng, giao tiếp vịt gà nên kiến thức rất hạn hẹp. Ở
cái tuổi 77 gần đất xa trời, nhìn lại, tôi ý thức được rằng:
+ Cái dở nhất của đời tôi là sự
u sầu, ủy mị, tật suy diễn, chính nó là mầm mống gây nên bao sóng gió cuộc đời.
+ Cái hay nhất của đời tôi là
lòng ham học, ý chí vươn lên cầu tiến, đó là sức mạnh giúp tôi tồn tại tới hôm
nay.
Thời trẻ, trước khi bị bệnh, tôi là
một thanh niên rất năng động. Hè 1954, rời ghế nhà trường tôi mới học hết Đệ
lục, tức 7/12. Quê tôi sống trong vùng Pháp tạm chiếm, cuối năm 1952, chúng san
phẳng cả làng, lập nên hệ thống boong ke kiên cố, dân làng phải ly tán muôn
phương, sau HB 54 mới về xây dựng lại. Đầu năm 1955, ở cái “tuổi 17 bẻ gẫy sừng
trâu” tôi được giao tập hợp các bạn trong độ tuổi, lập nên đoàn TN thôn do tôi
phụ trách, sau đó còn tham gia nhiều công tác khác. Đầu năm 1960, được đề bạt
là Trưởng ban BTVH xã (nhắc lại sự kiện này vì nó liên quan đến bước ngoặt của
đời tôi). Phong trào BTVH xã tôi đang lên như diều gặp gió thì Xã lại điều tôi
về làm Kế toán cho HTXNN thôn. HTX thôn tôi chưa qua 03 mùa vụ mà đã 05 lần
thay kế toán, sổ sách rối mù. Không một chút chuyên môn, tôi đã phải mò mẫm lần
từng tài khoản … , ba tháng dòng dã, suốt ngày đêm con số múa trong đầu. Nhưng
rồi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, lập lại sổ sách, lên phương thu chia mùa 60,
lập Đề án sản xuất năm 61, tất cả rõ ràng, minh bạch, được báo cáo điển hình
toàn huyện. Nhưng, tuổi trẻ hăng say, không biết giữ mình, làm việc vô độ, cộng
với những lý do tế nhị khác, tôi đã mắc bệnh suy nhược thần kinh trầm trọng.
Nằm bệnh viện TƯ hai tháng không khỏi, trở về vẫn đầu nặng tai u, giữa tuổi
thanh xuân chưa vợ, tôi đã chán đời cạo trọc đầu và tìm đến cái chết. Sau một
cơn bão lòng khủng khiếp, tôi tỉnh dần, lại quyết trí vươn lên. Sức khỏe dần
phục hồi, lại tham gia sản xuất, dạy BTVH, và tự học ngày đêm…Là cán bộ xã,
trong phong BTVH, tôi được tham dự nhiều cuộc họp huyện cùng các Hiệu trưởng
trường PT, trong đó có một Hiệu trưởng trường Cấp II CG. Khi trên chủ trương mở
lớp BTVH bồi dưỡng cho giáo viên, tôi đã xin vào học. Lớp học cho những người
“đã ngồi vững trên ghế” cứ “buổi đực buổi cái”, nhưng tôi được vào đây như
“chuột sa chĩnh gạo”, những kiến thức cơ bản thu được đã giúp ích rất nhiều cho
sự tự học của tôi. Cuối năm học, lớp mới học hết chương trình học kỳ I nhưng
tôi đã tự học hết chương trình cả năm, nộp đơn thi TCCN. Vì học ở lớp, tôi đã
nhờ ông Hiệu trưởng cho một Giấy chứng nhận, hoàn thiện hồ sơ thi. Đến ngày thi,
các học sinh PT đã có giấy Chứng nhận tốt nghiệp, còn tôi thì…, Giám thị kiểm
tra là một cán bộ BTVH huyện, biết quá rõ về cái lớp của tôi, đã không chấp
nhận cho tôi vào thi. Tôi bàng hoàng tiếc cho công sức bao ngày, liều ở lại,
sáng hôm sau cứ liều lĩnh xếp hàng…Ngước mắt trông lên, Giám thị kiểm tra lại
là một cán bộ BTVH huyện khác, nghĩ đến việc chiều qua, tôi bủn rủn cả người.
Nhưng trông thấy tôi, ông không kiểm tra gì cả, chỉ nói một câu: “Phượng hử?
Thôi vào!” Một đêm thức trắng rã rời, cộng với nỗi mừng đột ngột …, nhưng cuối
cùng tôi cũng qua được kỳ thi. Nhận được giấy báo trúng tuyển, trào lệ rưng
rưng, không tin ở mắt mình…Lúc này tôi mới quyết định lấy vợ, 9/9/62 cưới, 24/9
nhập trường. Lúc đầu tôi học quá vất vả, tưởng không theo kịp phải về. Nhưng
rồi, tôi cứ kiên nhẫn từng phút từng giờ …, cuối năm học, được tuyên dương là
một trong số 11 học sinh giỏi toàn diện của trường. Sang năm thứ hai, phấn
khởi, sức khỏe tốt, tôi học say sưa. Nhưng đột nhiên bệnh cũ tái phát, điều trị
hai tháng không khỏi, nhà trường buộc phải trả về địa phương. Từ đó, tôi sống
triền miên trong nỗi đau bệnh tật, trong đói nghèo cơ cực và sự tảo tần tìm kế
sinh nhai vì 8 đứa con. Bệnh tật đã vùi dập bao hoài bão, ước mơ tuổi trẻ của
tôi, nhưng tôi không chịu an bài, đã vượt lên số phận để có hôm nay. Do lòng
ham học, cuối đời tôi đã xử dụng được vi tính, vào mạng diễn đàn, được hòa hồn
thơ với giới trí thức thời đại, tình thơ không phân biệt Nông hay Trí. Thời
gian đầu, ở cả Thi Đàn và Thi Hữu, tôi tham gia họa thơ rất sôi nổi, làm được
nhiều thể loại thơ, có nhiều thơ được tuyển trọn vào Thư viện của hai diễn đàn,
có thơ được in trong cả bốn tập thơ của Thi Hữu. Với một chút kiến thức thực
vật ít ỏi thu được ở trường, nhờ mạng Thi Hữu, tôi lập trang Sưu tập hoa, sau
hơn ba năm mò mẫm miệt mài, tôi đã hoàn thành Bộ sưu tập cây cỏ với trên 2.400
loài, trong phạm vi 56 Bộ, những cây có ở Việt Nam, đã có những kiến thức vững
vàng về thực vật.
Cây cỏ có rất nhiều, bổ xung mãi
cũng không hết nên tôi tạm dừng, chuyển sang sưu tầm các cây và con vật lạ,
trang Sưu tầm này đã được nhiều bạn đọc yêu mến. Nhưng ở Sưu tầm có một điều
dở: không có định hướng, vào Nét gặp con vật nào hay thì cóp về, sưu tầm theo
từng chủ đề bài viết nên có nhiều sự trùng lặp, tôi không đủ sức lược bỏ hết,
hơn nữa, sưu tầm nhiều không sao nhớ được. Ở “Bộ sưu tập chim”, tôi sưu tập
theo trình tự Hệ thống tiến hóa, bắt đầu là bộ Đà điểu thứ nhât, kết thúc là bộ
Sẻ thứ 29, mỗi loài chim chỉ nói đến một lần, không lặp lại. Kiến thức động vật
tôi rất ù ơ, dựa kinh nghiệm STH cứ thử xem.
Thực hiện Sưu tập này tôi dựa chính
vào Wikipedia, lần theo từng Bộ, Họ tìm thêm trên google. Bước vào Sưu tập, tôi
thu được nguồn vốn ban đầu là 472 loài chim của trang web “Sinh vật rừng Việt Nam”. Đây
mới chỉ hạn hẹp trong Hệ sinh thái Việt Nam, Sưu tập của tôi muốn mở rộng
ra Hệ sinh thái toàn cầu.
Dù là một nông dân kiến thức hạn
hẹp, nhưng tôi sẽ thực hiện Sưu tập này trên tinh thần khoa học nghiêm túc đẫm
mồ hôi. Tôi đặt mức 1.000 loài hoàn thành “Bộ
sưu tập chim” trước ngày 23/6/2015, làm quà tự mừng sinh nhật lần thứ 77 của
mình.
Mời bạn đọc đón xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét