Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

ĐẠI NIẾT BÀN

ĐẠI NIẾT BÀN

Phật dưới Ta La Đại Niết Bàn

Xong thời giáo hóa cõi nhân gian
Pháp thân thường trụ NHƯ NHƯ thế!
“Nguyệt dụ” cho đời giải nghĩa nan

BXP 15.5.2018


Nghiệp ác tiền kiếp của tôi rất sâu nặng nên quả báo đời này phải chịu nhiều cơ cực, gặp biết bao nghịch cảnh, nhưng cũng nhờ đã gieo giống Bồ Đề ở nhiều kiếp nên đời này đã đến được với Đạo, có duyên tiếp xúc được những kinh sách cao siêu, trau dồi thân huệ mạng, tiếp tục làm hành trang cho những kiếp mai sau.
Đặc biệt, vừa qua tôi đã đọc được kinh Đại Bát Niết Bàn, với 1500 trang khổ A4, rất khô khan, nhiều câu chữ cực kỳ khó hiểu nhưng vẫn đọc say mê.
Mở đầu đọc kinh thấy hoang mang, vì 49 năm thuyết pháp độ sinh Ngài dạy Vô thường, Khổ, Vô ngã và Bất tịnh, nhưng ở kinh này Ngài lại dạy Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, tưởng chừng rất mâu thuẫn, nhưng khi đi sâu vào đọc, suy ngẫm, dựa vào gợi ý của các vị HT, nhất là bài “Tổng quan …” của cư sỹ Nguyễn Minh Tiến, tôi đã bừng hiểu. Giáo lý kinh Niết Bàn như nước biển khơi, hiểu biết của tôi chỉ như một chút nước trong lòng chén, chỉ vậy thôi, nhưng cũng đủ vui sướng, vì đã phát khởi được niềm tin vững chắc : “Như Lai thường trụ không biến đổi”.
Tôi không dám lạm bàn, chỉ xin nêu một vài ý nhỏ cảm nhận của mình :
+ Sinh thân Phật thị hiện nói nên lý vô thường : có sinh tất nhiên có già, bệnh, chết. Phật Thích Ca mang sinh thân Thái Tử Tất Đạt Đa, nhập Niết Bàn tại Ta La song thọ, để lại xá lợi phân chia thành 10 phần, thờ phụng ở 10 nơi, nhưng Như Lai không chết.
+ Pháp thân Phật tức Như Lai Thường trụ, Như Như bất động, không sinh diệt, đến đi ….
Ở phẩm Nguyệt dụ đã nói rất rõ : Ta nhìn trăng thấy có mọc, lặn, tròn, khuyết nhưng thực mặt trăng không có mọc, lặn, tròn, khuyết, luôn lồng lộng giữa không gian một ánh sáng vĩnh hằng … , vì cái nhìn hạn hẹp của thế gian, nơi này thấy lặn thì nơi kia thấy mọc, đầu tháng thấy khuyết, giữa tháng thấy tròn …
Ở tuổi gần đất xa trời, tôi rất sợ cái “cận tử nghiệp” sẽ đưa mình về cõi khổ, nhưng giờ thì rất yên tâm, với niềm tin vững chắc ở kinh Đại Bát Niết Bàn, nhất định tôi sẽ được về cõi lành, tiếp tục nuôi lớn hạt giống Bồ Đề cho đến ngày đạt được quả vị Giải thoát.
Niềm tin đã cho tôi sự vui sướng vô bờ, phiền não không cần phải cố buông mà tự nó đã tiêu tan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét