+ Còn tôi, một nông dân quanh năm làm bạn với bùn sâu rơm cỏ, cả đời chỉ quẩn quanh bên lũy tre làng, tai nghễnh ngãng, giao tiếp vịt gà, có gì để nói! Nhưng một nông dân quê mùa, với lòng khao khát cội nguồn, ý thức được trách nhiệm trước các em và con cháu, chỉ với vài dòng ghi ngày giỗ cha để lại, đã kiên nhẫn mò kim đáy bể trong nhiều năm và đã tìm được gốc Tổ của mình, nên cũng muốn được bày tỏ nỗi lòng :
Hè 1954, học hết Đệ lục (7/12), vì nghèo phải về làm ruộng và tham gia công tác ở thôn xã. Cuối năm 1960, đang là Trưởng ban BTVH xã thì được điều về làm kế toán HTXNN thôn. HTX quê tôi chưa qua ba vụ đã 05 lần thay đổi kế toán, sổ sách rối mù. Không một chút chuyên môn, tôi đã lao vào làm việc ngày đêm suốt ba tháng ròng, lần từng tài khoản, chỉnh lý sổ sách, lên phương án thu chia mùa 1960 … mọi việc rõ ràng minh bạch, được báo cáo điển hình toàn Huyện. Nhưng, tuổi trẻ hăng say, không biết giữ mình, làm việc vô độ, đã mắc bệnh về Tiền đình nghiêm trọng, chữa mãi không khỏi và phải mang bệnh suốt đời. Đầu năm 1961, với tuổi 23, chưa vợ, đang công tác tiến bộ mà phải mang bệnh trọng nên đã có lúc cạo trọc đầu định tìm đến cái chết. Nhưng rồi đã vùng dậy, tự học hết cấp II, thi trúng tuyển vào trường TCLNTƯ, học được hơn một năm thì bệnh tái phát phải trở về.
Nếu bệnh không tái phát, tôi được học xong Trung cấp, ra công tác, với lòng hiếu học, ý chí vươn lên cầu tiến của tôi thì cái bằng Kỹ sư LN hay hơn nữa cũng không có gì ghê gớm. Vì trường tôi học là trường TC đầu tiên của Tổng cục Lâm nghiệp, cán bộ còn rất thiếu. Hay như, đầu năm 1961 tôi được Huyện triệu tập tham gia đoàn cán bộ đi tăng cường cho các HTX, nếu tôi không mắc bệnh thì đường tiến sẽ thênh thang….
Nhưng, bệnh tật đã vùi dập bao hoài bão ước mơ tuổi trẻ của tôi, bắt tôi sống triền miên trong nỗi đau bệnh tật, trong đói nghèo cơ cực và sự tảo tần tìm kế sinh nhai vì 08 đứa con. Đói nghèo, cơ cực nhưng nỗi khát học không lúc nào ngưng. Cuối đời, nhờ chú em tận tình giúp đỡ đã xử dụng được vi tính, vào diễn đàn mạng, được hòa hồn thơ với giới trí thức thời đại, giao lưu cùng bè bạn khắp năm châu, đam mê sưu tầm cây cỏ, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, là cơ sở giúp tôi mò kim đáy biển thành công.
Dù trải qua nhiều đói cơm khát sữa nhưng các con tôi, một đứa đã bỏ tôi từ năm 6 tuổi, còn lại 7, chị lớn phải hy sinh chỉ được học hết cấp II, đứa út vì tôi quá nuông chỉ học hết 6/12, còn lại 03 trai hai gái đã lần lượt học hết PTTH.
+ Con trưởng Bùi Ánh Dương sinh 1968, đang công tác ở xã, đã có bằng kỹ sư, ăn lương công chức, sinh được một trai một gái, xứng đáng là con chim đầu đàn, giàu tình cảm, đủ uy với các em, đã từ lâu tôi giao cho con chỉ đạo mọi việc lớn gia đình, tôi đã không phải làm, lại không phải lo, chỉ có việc ăn rồi vào vi tính.
+ Con trai thứ ba, Bùi Xuân Thường, sinh 1975, đi bộ đội, hết Nv về làm công nhân CTy máy kéo ở Thanh Miện, sinh được một trai một gái, vợ làm nghề tự do, gia đình cách nhà 25km, đã sắm được xe con đi về thuận tiện.
+ Con út Bùi Kim Cương, sinh 1981, đã có vợ con, kinh tế tạm ổn.
+ Riêng con trai thứ hai Bùi Mạnh Cường, sinh 1973, được học TC thú y, từ hai bàn tay trắng đã dựng nên cơ nghiệp, hiện là giám đốc công ty cổ phần GREEN FARM, có ba trang trại, trong đó có một trang trại lớn nuôi lợn theo quy trình công nghệ Hà Lan, đã được các chuyên gia Hà Lan sang giúp xây dựng. Trong một lần lên thăm trang trại của con, được chú em chụp ảnh, tôi đã làm thơ đăng lên các diễn đàn mạng, trong đó có câu :
Biết kiếm tiền, biết giữ tiền Biết đem tản lộc … tâm hiền cha trao. Vâng, đó là niềm tự hào của vợ chồng tôi, con trai chúng tôi không những biết làm giàu bằng bàn tay và khối óc của mình, ngay trên quê hương đất nước mình, mà còn biết mở rộng hầu bao đem những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi đầu tư vào những việc nhân đức. “Tiền liền với ruột”, biết rứt ruột đúng lúc đúng chỗ cũng là điều đáng nói.
Blogger của Bùi Xuân Phượng - Một lão nông dân sinh năm 1938 yêu thơ, yêu thiên nhiên - - - - Địa chỉ: thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. - - - Email: buixuanphuong09@yahoo.com.vn ; buixuanphuong09@gmail.com
Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018
Bài phát biểu (tiêp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét