Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

B.148- BƯỚM XÍCH TRẮNG NHÂN ĐEN








Sưu tập :

B.148- Bướm xích trắng nhân đen Athyma asura

Đặc điểm nhận dạng:
Giống Athyma trước kia còn có tên khác là Parathyma. Athyma có kiểu màu sắc tương tự giống Neptis, nền đen với các đốm trắng xếp thành băng ở mặt trên cánh, mặt dưới thường có màu nâu, nâu đỏ với các đốm, băng trắng tương ứng với mặt trên. Tuy nhiên chúng có những đặc điểm cấu tạo cơ thể khác biệt rõ rệt so với giống Neptis: cánh rộng hơn; râu khá dài so với thân, chắc và thẳng; thân mập chắc. Khối cơ vận động cánh rất phát triển khiến cho phần ngực của loài này lớn. Với đặc điểm cấu tạo như vậy, các loài trong giống này có thể bay rất nhanh, cách bay khác hẳn giống Neptis, cánh đập nhanh và gắt. Con cái của các loài trong giống Athyma rất hiếm gặp. Mặt trên loài A.asura màu nâu tối. Dải trung tâm cánh trước hẹp với những đốm trắng tách biệt ở phía xa vùng trung tâm cánh, có một đốm ở vùng giữa gần mép ngoài ở khoảng 3. Cánh sau có các đốm trắng ở vùng giữa gần mép ngoài, mỗi đốm này có hoặc không có một đốm nhỏ màu đen trong nó trông giống cái xích chó. Loài Athyma asura rất dễ phân biệt với các loài khác trong giống Athyma và các loài khác cùng họ Nymphalidae nhờ có đặc điểm này. Mặt dưới: màu nâu đỏ nhạt; mặt dưới cánh trước cũng có những chấm trắng nhân đen như ở cánh sau và trang trí giống như mặt trên. Sải cánh: 60 - 70mm.
Sinh học sinh thái: Sống ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Giống Athyma thuộc nhóm bướm khá cảnh giác. Khi người quan sát tiến gần khoảng 3-4 mét, nó thường bay ra xa rồi lại đậu xuống. Người quan sát đến gần lần nữa, nó lại bay ra xa. Chu kỳ này có thể lặp đi lặp lại rất lâu trước khi tiếp cận gần được con bướm. Khi thực sự hốt hoảng, nó bay rất nhanh và thường mất hút. Các loài trong giống Athyma sống đơn lẻ, thường chỉ gặp một vài cá thể bay từng chặng ngắn sát mặt đất, dọc đường mòn trong rừng để tìm hút chất khoáng. A.perius là loài duy nhất thường gặp ở dạng sinh cảnh cây bụi, rừng thứ sinh, khu vực đô thị. Phần lớn các loài khác chỉ gặp trong rừng tối. Sâu giống Athyma được ghi nhận đẻ trứng trên một số loài cây thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae như giống cây Sóc Glochidion sp., Chùm ruột Phyllanthus acidus, hoặc họ Cà phê Rubiaceae như giống cây Bướm bạc Mussaenda sp..      
Phân bố: Bắc Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Phân bố rộng rãi trên toàn Việt Nam. Sống ở mọi độ cao, trong mọi sinh cảnh ngoại trừ các khu nông nghiệp, mặc dầu vậy chúng khá hiếm
Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ: Là loài phân bố không rộng trên thế giới. Ở Việt Nam có số lượng cá thể không nhiều, tuy phân bố rộng nhưng ít gặp.

Nguồn : SVRVN &  Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét