Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

306- CÙ LÈO

8+ Họ Limnocharitaceae - nê thảo (kèo nèo, cù nèo, choóc)
306- CÙ LÈO





CÙ LÈO
Giống Lục bình, chẳng lênh đênh
Thân bám chặt đất, nước dềnh lại vươn.
Ẩm thực đặc biệt miệt vườn....
Đau lưng, nhức mỏi, mát gan...hay dùng.
BXP
Sưu tập
Cù nèo hay kèo nèo tên khoa học Limnocharis flava, chi Limnocharis,Họ Limnocharitaceae - nê thảo (kèo nèo, cù nèo, choóc), Bộ Alismatales Trạch tả
Cù nèo hay kèo nèo là loại cây hoang dại mọc nhiều ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hình giáng hơi giống với cây lục bình, sống bám cố định vào bùn đất chứ không trôi giạt trên sông nước, gốc rễ cù nèo bám dưới bùn đất, cành ngọn vươn lên mặt nước, về mùa nước nổi, cù nèo bám đất, nước dâng đến đâu vươn ngọn đến đấy. Loài này có một sức sống mãnh liệt.
Thân rễ dày và ngắn, cuống lá dài, có vỏ bọc, đỉnh lá nhọn đột ngột, ở phía đáy mỏng hơn, màu xanh sáng. Hoa tự tán, cuống hoa nhỏ, mỗi hoa có 3 cánh màu vàng hình ovan rộng hoặc tròn. Có 3 đài hoa, màu xanh, bền, xếp gối lên nhau, hình ovan rộng, đỉnh tù, đài hoa ngắn hơn cánh hoa. Cây sống ở đầm lầy, nước nông, chỗ ứ đọng nước, nếu trồng trong chậu thì đất phải có nhiều mùn. Khi trưởng thành cây cao khoảng 45-60cm và độ sâu tối đa khoảng 15cm.
Theo y học dân gian, cây cù nèo là vị thuốc chữa trị các chứng đau lưng, nhức mỏi, mát gan, lợi tiểu…, cù nèo là thức ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đạm bạc ở vùng miệt vườn. Loài cây được coi như một thứ rau dại ấy đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của miền Tây Nam bộ. Người dân miệt vườn hái thứ cây này về ăn cho qua những bữa cơm bình dân hàng ngày, kèo nèo đã trở thành một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Nam bộ. Kèo nèo còn luôn xuất hiện trong những món lẩu của người Nam bộ. Món lẩu mắm dù đã có nhiều loại trái và rau như: cà tím, hoa súng, rau đắng, rau muống… nhưng sẽ mất ngon nếu thiếu kèo nèo xanh mơn mởn. Ăn với kèo nèo, món lẩu mắm như đậm đà hơn, đặc sắc hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét