Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

2127- CÂY LƯỢC VÀNG



CÂY LƯỢC VÀNG

Cây thân thảo, cụm hoa trắng nhỏ
Tuyết trời Nga - nắng lửa xứ Thanh
Bao năm chữa bệnh quên mình
Lược vàng em đã trở thành thiết thân.

BXP

Sưu tập lại Bài 238

Cây lược vàng, hay Lan vòi, Lan rũ, Địa lan vòi - Callisia fragrans, chi Callisia lược vàng, Họ Thài lài Commelinaceae, 17-bộ Commelinales Thài lài (nhánh 4)

Mô tả: Cây thân thảo, màu xanh lục, mọng nước, có thể cao tới 1,5m; lá mọc so le, dài 20 - 30cm, rộng 5 - 7cm, đầu lá nhọn. Thân bồ non thường có màu nâu tím, hoa đường kính dưới 1cm, màu trắng, mùi thơm, tập trung ở các mấu của cuống cụm hoa phân nhánh có dạng chuỳ.
Nơi mọc: Theo tài liệu của Nga, cây có xuất xứ từ Nam Mỹ, được trồng làm cảnh trên thế giới đã hơn 100 năm, xuất hiện lần đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa vào cuối những năm 1990.
Công dụng: Theo một số thông tin dân gian, cây lược vàng có nhiều công dụng chữa bệnh, trong đó có một số bệnh khó chữa, một thời được coi là thần dược, nhưng nghiên cứu bước đầu của Viện Dược liệu cho thấy nó không giúp kháng khuẩn, chống viêm, thậm chí còn có độc. PGS.TS Trần Công Khánh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Việt Nam cho biết: "Cho đến thời điểm này (2013), Việt Nam chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng sinh học, liều dùng và cả độc tính của cây lược vàng. Không rõ nó được đưa vào nước ta từ khi nào, nhưng trong các sách về hệ thực vật cũng như sách về cây thuốc Việt Nam thì không tìm thấy tên cây này".

Theo thông tin mới nhất, bài đăng hôm nay, 04/7/2014, TS. Trịnh Thị Điệp, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, cây lược vàng - Callisi fragrans là cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian ở Nga và có thông tin cho rằng ở Nga loại cây này được dùng để chữa nhiều chứng bệnh như viêm đường hô hấp, viêm răng lợi, viêm đường tiết niệu, bệnh dạ dày, đau xương khớp đến các bệnh về tim mạch, huyết áp, thậm chí cả ung bướu... nhưng trên thế giới có rất ít các công bố khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng. Tại Việt Nam, cây lược vàng chưa được nghiên cứu mà chủ yếu mới chỉ được dùng chữa bệnh theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm thu được thật bất ngờ. Về kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng chuột cho thấy lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cao chiết lá và thân lược vàng còn có độc tính cấp, gây chết chuột thí nghiệm ở liều uống cao tương đương với từ 2.100g-3.000g dược liệu tươi/kg thể trọng. Qua kết quả nghiên cứu bước đầu này, nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định rằng người dân sử dụng với liều lượng 5 - 6 lá/ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Đồng thời, tuy các kết quả nghiên cứu dược lý ban đầu chưa làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng nhưng cũng đã cho thấy rằng lược vàng phải chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh thì mới có ảnh hưởng rõ đến chuột thực nghiệm. Vì thế cần phải tiến hành một nghiên cứu sâu hơn mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này. Do đó, TS. Điệp khuyến cáo khi các nhà khoa học chưa đưa ra kết luận cuối cùng về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, người dân hãy thận trọng khi sử dụng loại cây vốn được đồn thổi là "thần dược" có thể chữa bách bệnh này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét