Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

2034- KHOAI DÁI


BỔ XUNG: Bộ 12- Bộ Dioscoreales Bộ Củ nâu (nhánh 3)

KHOAI DÁI

Cây leo, thân rễ, củ màu vàng
Thân giả nhẵn, tròn, màu tím lam
Nách lá củ con, gọi dái củ
Dái ăn, củ thuốc, cũng ưa dùng.

BXP

Sưu tập

Khoai dái; Củ dại, Khoai trời - Dioscorea bulbifera, chi Dioscorea, họ Củ nâu -Dioscoreaceae, Bộ Dioscoreales Bộ Củ nâu (nhánh 3). 

Mô tả: Cây leo sống lâu năm, có một thân rễ dạng củ to, với thịt củ màu vàng hay màu kem, Thân nhẵn, tròn hay hơi có cánh, trơn bóng, màu tím, Lá đơn, to tới 34x32cm, mọc so le, nhẵn, hình tim, có mũi nhọn. Ở nách lá có những củ con, mà ta gọi là dái củ, hình trứng hay hình cầu có kích thước thay đổi, có khi rất to, đường kính tới 10cm. Hoa mọc thành bông thõng xuống; bao hoa 6; nhị 6, chỉ nhị đứng. Hoa cái nom giống hoa đực. Quả nang, mọc thõng xuống, có cánh.
Cây ra hoa vào tháng 7-10; có quả tháng 8-11.
Nơi mọc: Loài của vùng Ấn độ - Malaixia, nay phổ biến ở cả châu Phi và châu Mỹ. Ở nước ta, cây cũng thường được trồng ở đồng bằng và vùng núi tới độ cao 1000m. Thu hoạch củ và dái củ quanh năm.
Công dụng: Củ của những cây hoang dại có thịt đắng, màu vàng chanh hay kem, gây buồn nôn; có khi còn có chất dịch màu tím nhạt, có độc. Do trồng trọt mà các tính chất này của củ biến mất đi và củ trở thành ăn được. Trong y học cổ truyền, thường dùng Dái củ.
Người ta thường lấy dái củ luộc kỹ ăn. Dái khoai có độc nhưng khi rửa nhiều lần và luộc kỹ thì chất độc bị loại đi. Bột khoai dái cũng tương tự như bột ngũ cốc và bột Gạo. Củ ở dưới đất không dùng ăn nhưng cũng dùng làm thuốc.

Khoai dái thường dùng trị: Bướu giáp (Sưng tuyến giáp trạng). Viêm hạch bạch huyết do lao. Loét dạ dày và đường ruột. Nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, chảy máu tử cung. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét