Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

1.803- BẮC SA SÂM

























BẮC SA SÂM

Lá kép lông chim, lá chét hình trứng
Mép răng cưa, Cuống lá có bẹ ôm thân
Rễ ngọt đắng, chữa viêm phế quản, ho khan..
Lá làm món gỏi đặc sản Phan Thiết.

BXP

Sưu tập

Bắc sa sâm, Sa sâm bắc - Glehnia littoralis, Chi Glehnia, Họ Hoa tán (họ cà rốt) - Apiaceae, 53- Bộ Apiales Bộ Hoa tán (nhánh 12)

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm cao 20-40cm. Rễ mọc thẳng, hình trụ dài và nhỏ, dài đến 20-30cm, đường kính 5-8mm, màu trắng ngà. Lá kép lông chim 1-2 lần, mọc so le, lá chét hình trứng, mép có răng cưa, cuống lá dài 10-12cm, có bẹ ôm thân, màu tím, có lông mịn. Cụm hoa hình tán kép mọc ở ngọn thân; cuống tán màu tím, có lông mịn, mỗi tán có 15-20 hoa nhỏ màu trắng ngà. Quả bế đôi, hạt hình bán cầu, màu vàng nâu.
Ra hoa tháng 4-5; có quả tháng 6-8.
Nơi mọc: Cây của Trung Quốc nhập trồng ở nước ta, ưa đất cát pha, nhiều mùn, ẩm. Trồng bằng hạt gieo vào cuối mùa đông hay đầu mùa xuân. Sau khi trồng 1-2 năm thì có thể thu hoạch rễ. Ðào rễ vào mùa thu khi lá cây điểm vàng. Rửa sạch đất, phân loại rễ to, nhỏ rồi ngâm rễ vào nước sôi vài phút. Vớt ra ngay, bóc vỏ được dễ là vừa. Khi rễ ráo nước thì cần bóc vỏ ngay, đem rải rễ cho thẳng, phơi nắng hoặc sấy cho khô. Ðể bảo quản, cần sấy qua diêm sinh rồi cất trữ.
Công dụng: Vị ngọt, hơi đắng, tính hơi lạnh, thường dùng chữa: Viêm phế quản mạn tính, ho, ho khan. Bệnh nhiệt bao tân dịch, gầy róc, lưỡi khô, khát nước. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Giới thiệu với bạn đọc một món ăn ngon từ lá Sa sâm
Gỏi lá sa sâm
Khô cá hoặc khô mực nướng vừa chín tới, trộn chua ngọt với lá sa sâm. Món gỏi là một trong những đặc sản thú vị của Phan Thiết
Khi những chiếc lá sa sâm còn đọng ướt sương đêm, người ta hái chúng về, rửa thật sạch cát bám trên lá, đổ ra rổ cho ráo nước. Nguyên liệu đi kèm là dăm miếng cá đuối khô, mực khô. Các thứ được đem nướng vừa lửa, khi vừa chín tới, dùng tay xé nhỏ. Đổ khô đuối, khô mực vào đĩa rộng, xếp xen kẽ dăm miếng ớt chín thái khoanh, sau đó cho lá rau sa sâm vào, trộn đều. Phụ gia đi kèm là nước cốt chanh, đường cát, nước mắm, tỏi băm,  bột, các thứ trộn cho hoà tan gia vị vào nhau. Rưới hỗn hợp nước mắm pha này vào gỏi. Dùng đũa trộn nhiều lần, sao cho gỏi ngấm gia vị. Rắc đậu phộng rang lên trên cùng.
Ở Phan Thiết, người ta khoái ăn món gỏi sa sâm với bánh tráng nướng giòn.

Chất mặn mặn của lá sa sâm như là chất tinh tuý luôn làm cho bầu rượu vơi đi đến giọt cuối cùng. Ăn lá sa sâm ít ai ăn chín, chỉ ăn sống để cảm nhận cái ngon của loài rau trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét